Nhằm làm rõ hơn ý nghĩa của sự kiện, PV Lao Động vừa có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Sao Mai.
|
Lâu nay Việt Nam chỉ chế biến xuất khẩu philê, mà philê luôn bị ép giá. Ảnh: L.V.T |
Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu
Sau vụ WWF đưa vào danh sách đỏ, cá tra VN lại phải đối diện với yêu cầu cấp chứng nhận ASC toàn cầu. Ông nghĩ gì về điều này?
-Về con cá tra của chúng ta, không phải bây giờ mà liên tục trong nhiều năm qua, vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi trên toàn cầu. Tại sao vậy? Tại vì nó có rất nhiều lợi thế mà các nhà chế biến, nuôi trồng thủy sản ở các nước tiên tiến phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt, tới mức độ họ cạnh tranh không nổi như một số nhà chăn nuôi, chế biến của Mỹ đã phải ngừng sản xuất khi con cá tra VN tràn vào nước Mỹ. Không phải nước nào trên hành tinh cũng có thể nuôi được nhiều cá tra như chúng ta. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, ĐBSCL, đặc biệt là hệ thống sông Mêkông mới cho phép nuôi cá tra với trữ lượng lớn và chất lượng tốt như hiện nay. Không phải chỉ có WWF, mà trước đây chúng ta từng nghe những câu chuyện phù phiếm như ăn cá tra bị ung thư v.v... Người ta tung những cái tin thất thiệt để cản trở chúng ta trên thương trường.
Xây dựng nhà máy tinh luyện mỡ cá tra bằng thiết bị, công nghệ của Tập đoàn Desmet Balesstra thực hiện riêng cho Tập đoàn Sao Mai sẽ dẫn đến những thay đổi nào trong tương quan cạnh tranh?
- Nhiều năm qua, không ai dám nghĩ tới dầu cá mà đem đi nấu, đem vào bếp của mỗi nhà, bởi vì trữ lượng dầu cá trên hành tinh không có nhiều như thế. Nhưng gần đây thì con cá tra của chúng ta bùng nổ về sản lượng và nó để lại một lượng mỡ rất lớn, nhưng chúng ta vẫn còn đang bán ra nước ngoài với giá rẻ mạt. Hiện tại giá của mỡ cá tra còn thấp hơn dầu cọ, chưa thể hiện được giá trị thực của nó. Nhà máy 15 triệu USD mà Sao Mai đầu tư trước tiên là đưa lượng mỡ cá rất lớn này vào bếp của mọi nhà, giúp cải thiện một phần sức khỏe cho nhân dân VN cũng như cho nhân dân toàn cầu. Lâu nay, các nhà máy trên hành tinh sản xuất dầu cá chỉ đủ để phục vụ trong ngành y tế, chưa ai dám nghĩ tới chuyện đem nấu, bởi vì nấu thì cái lượng phải lớn lắm. Bây giờ, VN hoàn toàn có thể làm được điều đó.
Chắc chắn người nuôi sẽ được lợi
Ông vừa nói tới việc cải thiện sức khỏe cho nhân dân toàn cầu…
-Một năm, trong tương lai, chúng ta có thể xuất khẩu 1 tỉ USD dầu cá ra nước ngoài. Hiện tại, chúng ta cũng đang thất thu cả gần 1 tỉ USD để nhập khẩu dầu cọ phục vụ đời sống hằng ngày của nhân dân. Đây là điểm bất hợp lý. Sao Mai giải quyết điểm bất hợp lý theo cách “nhất cử lưỡng tiện”, vừa thu nhập thêm về ngoại tệ, vừa giải quyết đời sống cho người chăn nuôi, chế biến cá tra. Khi mỡ cá tra thể hiện được giá trị thực của nó thì người nuôi có nhiều cơ may để mà nâng giá. Cá tra VN lâu nay chỉ chế biến xuất khẩu philê là chính. Mà philê thì chúng ta luôn luôn bị ép giá và do đó mà người nuôi cơ cực. Nhà máy tinh luyện của Tập đoàn Sao Mai đi vào hoạt động, thị trường mỡ cá thô chắc chắn sẽ nâng giá lên rất nhiều. Chúng tôi đã lường hết chuyện đó. Mục tiêu lớn mà chúng tôi phấn đấu là nâng giá mỡ cá tra lên để hỗ trợ cho người nuôi.
Đầu ra của nhà máy vào cuối năm 2011 sẽ hướng mạnh đến việc xuất khẩu?
- Điểm đặc biệt là sản phẩm của nhà máy không đơn thuần chỉ là xuất khẩu, mà phục vụ cho hơn 80 triệu dân VN đã là một vấn đề rất lớn. Hiện tại chúng ta ăn dầu cọ, thực ra ăn dầu thực vật không có lợi gì cho sức khỏe cả. Còn dầu cá của chúng ta là dầu động vật, rất có ích cho hệ tim mạch. Dầu cá của chúng ta còn có thể đi vào lĩnh vực công nghiệp mỹ phẩm, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Trong tương lai, mỡ cá tra sau khi tinh luyện xong, có thể sử dụng nội địa lại nhiều, cái lượng để xuất cũng không còn nhiều.