Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
10 | 01 | 2011
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản đã đạt 5 tỷ USD vượt 9% kế hoạch năm. Hiện Việt Nam là nước đứng trong Top 10 nước XK thủy sản hàng đầu thế giới, sản phẩm thủy sản của Việt Nam có mặt lên tới trên 160 quốc gia. Bộ Công Thương dự kiến trong giai đoạn 2011 - 2015kim ngạch XK thủy sản sẽ đạt 6,5 tỷ USD; sản lượng thủy sản chế biến XK đạt 1.620 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân lần lượt là: 7,63% và 4,66%/ năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), mục tiêu XK thủy sản do Bộ Công Thương đề ra không phải không thể thực hiện, bởi trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản như: Hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ và nông dân nuôi trồng thủy sản; là thành viên của Tổ chức Quản lý Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương; Triển khai đăng ký sản phẩm khai thác biển đáp ứng yêu cầu chống sản phẩm khai thác bất hợp pháp của EU; Khởi kiện ra WTO về việc Hoa Kỳ áp dụng cách tính thuế chống bán phá giá tôm bất hợp lý đối với Việt Nam, điều chỉnh chính sách thuế NK nguyên liệu thuỷ sản dành cho chế biến… và mới đây là việc kiên quyết đấu tranh với WWF trong vụ 6 nước châu Âu xếp cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ, khiến tổ chức này phải ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, đưa cá tra Việt Nam trở thành loài thủy sản có chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động XK thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Dương Ngọc Minh-Phó Chủ tịch VASEP cho biết: Một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành thủy sản là cá tra, cá ba sa đang đối mặt với thiếu nguyên liệu trầm trọng,phải đến cuối quý II/2011 khi vào vụ thu hoạch vấn đề này mới có thể giải quyết được phần nào. Thiếu nguyên liệu đã khiến giá tăng mạnh lên đến 22.000-23.000 đ/kg, mặc dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người dân cũng không hào hứng mở rộng quy mô sản xuất bởichi phí thức ăn tăng cao và lo ngại khả năng tái diễn khủng hoảng thừa. Đối với mặt hàng tôm, cũngđang phải đối mặt với vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Trong khi các thị trường lớn như Nhật, Mỹ hay EU đều đang và sẽ áp dụng các chính sách thắt chặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thủy sản nhập khẩu, trong đó có mặt hàng tôm đông lạnh XK của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu XK, các doanh nghiệp XK thủy sảncần tăng cường đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến, xây dựng kho lạnh phục vụ sản xuất. Các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất, Trung ương cấp 30% vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng chợ thủy sản đầu mối quốc gia. Bên cạnh đó, các DN tham gia XK thủy sản chỉ XK các sản phẩm có chứng nhận thu hoạch và tăng cường liên kết với người nuôi, từ đó cải thiện chất lượng nguyên liệu, kiểm soát và chứng nhận vùng nuôi an toàn. VASEP cũng đề xuất: Bộ NN&PTNT cần quy hoạch và ổn định sản lượng cá tra XK khoảng 1 triệu tấn, trong vòng 3 năm để đảm bảo cân đối cung cầu, người nuôi có lãi tiếp tục đầu tư, DN có thể bán cao hơn giá sàn thông qua các hoạt động cạnh tranh chất lượng chứ không phải số lượng như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương-Nguyễn Thành Biên cho rằng: Nếu những giải pháp này được thực hiện đồng bộ sẽ giải quyết được bài toán nguyên liệu, mặt khác sẽ khắc phục được hiện trạng về chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đang còn nhiều tồn tại như: thiếu quy hoạch; công nghệ, trang thiết bị máy móc chế biến nông lâm thủy sản hiện nay phần lớn là cũ và lạc hậu.



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường