Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn gốc xuất xứ cần được xem là thương hiệu
21 | 01 | 2011
AGROINFO - Theo ông John Filose, một nhà tư vấn doanh nghiệp thủy sản, có hơn 30 năm kinh nghiệm là quản lý cấp cao của 4 công ty đa quốc gia và hiện là một doanh nhân độc lập, nguồn gốc xuất xứ chính là một hình thức thương hiệu đang nổi lên trên thị trường thủy sản thế giới.
Theo một nghiên cứu ông trình bày trong Hội nghị thủy sản toàn cầu 2010 tại Phuket, Thái Lan vào tháng 9/2010, nông trại quy mô vừa và nhỏ trong một khu vực địa lý nên liên kết để tăng khả năng đàm phán giá với các nhà chế biến. Thậm chí một tổ chức nhỏ bé và vẫn còn lỏng lẻo vẫn có những sức mạnh đàm phán nhất định, đặc biệt khi trong quá trình đàm phán chuyên nghiệp. Dòng vốn chính là vấn đề then chốt của các nông dân nuôi trồng. Và họ thường phải chi trả phí vận chuyển cho các cơ sở chế biến. Nông dân không nên trông cậy những diễn biến của thị trường tương lai. Thay vào đó, họ nên thu hoạch mùa vụ, chuyên chở đến cơ sở đóng gói – chế biến, nhận tiền và chuẩn bị cho mùa vụ kế tiếp.

Để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các cơ sở chế biến – đóng gói phải có sự phê chuẩn từ FDA – Cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, cùng với chứng nhận HACCP còn hiệu lực. Cơ sở chế biến nên tự xuất khẩu hoặc liên kết với một công ty chuyên xuất khẩu có kinh nghiệm. Chỉ những nông hộ liên kết lớn, theo chuỗi ngành dọc mới nên cố gắng tiếp cận xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ. Các lô hàng thủy sản sang thị trường Mỹ, dù là đông lạnh hay tươi sống, đều phải trải qua quá trình kiểm định phức tạp. Do đó, cách tốt nhất là để các công ty lớn có kinh nghiệm, có đủ tiềm lực tài chính, thực hiện các quy định nhập khẩu của Mỹ.

Trong vài năm gần đây, tất cả các sản phẩm thủy sản bày bán tại các siêu thị tại Mỹ xác định theo nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm thủy sản đóng gói và đông lạnh trong đá, đều được nhận biết qua nguồn gốc xuất xứ. Ở các nhà hàng, những người phục vụ cũng thông báo về xuất xứ sản phẩm thủy sản nhà hàng sử dụng. Người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng quen với việc thu nhận các thông tin này. Và do đó, có thể nói rằng, chính nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đang nổi lên là một thương hiệu trên thị trường. Trong tương lai, nước xuất xứ sản phẩm ngày càng trở nên quan trọng trong tâm trí người tiêu dùng Mỹ. Thương hiệu quốc gia của nước sản xuất thủy sản phải đảm bảo cho người tiêu dùng Mỹ rằng họ đang mua một sản phẩm có chất lượng cao và an toàn cho sử dụng. Nếu hình ảnh thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng xấu, các sản phẩm thủy sản từ nước này sẽ nhanh chóng mất thị phần trên thị trường Mỹ.

Vì vậy, nông dân phải nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi trồng, và các hiệp hội thương mại của họ cũng phải có phản ứng nhanh nhạy với các tín hiệu thị trường. Từ thị trường Mỹ, chất lượng và an toàn chính là hai yêu cầu tối quan trọng cho tất cả các sản phẩm thủy sản.

Các nhà sản xuất – xuất khẩu tôm nên theo sát thông báo trong tháng 8/2010 của Bộ thương mại Mỹ. Theo đó, bộ này đang đề đạt 14 thay đổi trong quy định chống bán phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường, gồm Trung Quốc và Việt Nam. Với những thay đổi này, rất nhiều nhà sản xuất – xuất khẩu tôm từ các nước này có thể sẽ phải chịu chi phía xuất khẩu cao hơn sang thị trường Mỹ. Ví dụ, yêu cầu phải có khoản đặt cọc tiền mặt, thay vì chứng từ, để trang trải cho những khoản thuế có khả năng phát sinh, sẽ là một quy định khiến chi phí xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng lên đáng kể.


Theo Hội nghị toàn cầu về Thủy sản 2010
Báo cáo phân tích thị trường