TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV, cho biết, nếu xảy ra sóng thần và sóng thần di chuyển với tốc độ 700km/h, chỉ khoảng 3-4 tiếng sau, sóng thần sẽ đổ bộ vào bờ biển Việt Nam. Các vùng ven biển từ vĩ tuyến 18 (tỉnh Quảng Bình) trở vào phía nam (tỉnh Cà Mau) sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng nếu sóng thần tràn đến.
Tuy nhiên, tính đến 23h00 đêm qua, Trung tâm DBKTTV lại báo yên sau khi nhận được thông tin từ một số trung tâm cảnh báo sóng thần của khu vực cho rằng nguy cơ sóng thần không còn khả năng ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam từ vĩ tuyến 18 (Quảng Bình), xuống phía nam đến Cà Mau nữa. “Chúng tôi đã thông báo cho các điạ phương thông báo cho nhân dân trở lại sinh hoạt bình thường”, TS Tăng nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, sóng thần đúng là đã xảy ra ở phía bắc Philippines với độ cao 1m. Tại nhiều trạm dọc bờ biển Việt Nam, các kỹ thuật viên ghi nhận được biên độ sóng thần ở bờ biển Việt Nam cao 0,8m. Và đến 23 giờ, biên độ sóng thần đo được tại bờ biển Việt Nam chỉ còn 0,5m.
Hồi 19h34 tối qua, theo nguồn tin của Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Tây Bắc của Nhật Bản, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở phía đông Đảo Đài Loan, tâm chấn được xác định ở tọa độ 21,8 độ vĩ bắc và 120,6 độ kinh đông.
Cơ quan Nghiên cứu Địa chất Mỹ (USGS) có trụ sở ở Denver, bang Colorado, cho rằng động đất chỉ mạnh 7,1 độ richter ở độ sâu 10km trong khi Cơ quan Thời tiết Trung ương của Đài Loan lại thông báo chỉ đo được động đất mạnh 6,7 độ richter. Điều đáng chú ý, sau đó khoảng tám phút, một trận đồng đất khác mạnh 7,0 độ richter lại xảy ra, USGS cho biết.
Thông tin mới nhất từ chương trình truyền hình cáp ETTV của địa phương cho biết hai ngôi nhà ở thành phố phía nam Cao Hùng bị sập và sáu người bị kẹt. Động đất còn gây cháy và rò rỉ khí. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMB) cảnh báo động đất gây ra sóng thần cao một mét và hướng về bờ biển phía đông quần đảo Philippines, vùng Basco.
“Tuy nhiên, một số vùng bờ biển khác, nhất là khu vực gần tâm chấn, sóng thần với bước sóng cao hơn có thể xảy ra”, JMB cho biết. Cảnh sát Philippines thông báo các vùng bờ biển nước này đã được đặt trong tình trạng báo động.
Đây chính là lý do khiến Trung tâm DBKTTV báo cáo sớm lên Chính phủ và, vào lúc 21h30 đêm qua, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo xử lý thông tin bằng cách lần đầu tiên cho phát cảnh báo chính thức nguy cơ sóng thần.
“Cho dù đợt sóng thần đầu tiên không đến Việt Nam, cũng cần phải cảnh giác với nguy cơ xảy ra trận động đất tiếp theo”, TS Tăng nói
Đánh giá quy mô của đợt sóng thần này, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương có trụ sở tại Haiwaii cho rằng nguy cơ hủy diệt trên diện rộng khu vực Thái Bình Dương là khó xảy ra do căn cứ vào sử liệu và các dữ liệu mới nhất về động đất cũng như song thần ở vùng Thái Bình Dương. Tuy nhiên cũng chính Trung tâm lại không dám đoán điều gì sẽ xảy ra với Đài Loan và Philippines
Động đất hôm qua xảy ra đúng vào lúc diễn ra kỷ niệm lần thứ hai trận động đất kinh hoàng ngày 26/12/2004 làm 230.000 người chết ở hàng chục nước. Động đất làm rung chuyển cả đảo Đài Loan, các tòa cao ốc. Nhiều đồ vật trên giá ở thủ phủ Đài Bắc rơi xuống đất. Đường điện thoại ở các thành phố phía nam bị cắt, các tòa khách sạn cao tầng ở Cao Hùng cũng rung chuyển.
Tâm chấn xảy ra ở độ sâu 23km cách Đài Bắc khoảng 450km về phía nam. Tuy nhiên, theo hãng tin ABS-CBN, Viện Núi lửa&Địa chấn Philippines (PHIVOLCS) lại bác bỏ thông báo cho rằng sóng thần đàng hướng về Philippines sau khi động đất xảy ra ở Đài Loan.
Renato Solidum, Giám đốc PHIVOLCS, cho rằng sóng thần cao một mét đổ về Basco, và Batanes, là không đúng và khẳng định Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương không hề đưa ra cảnh báo sóng thần nào.
Song người đứng đầu PHIVOLCS cuối cùng vẫn khuyên cư dân sống ở các vùng đất thấp ven biển di chuyển lên chỗ an toàn khi động đất ở Đài Loan đo được tại Basco chỉ mạnh 5,8 độ richter.