Lâu nay, sự vận động của giá sữa theo xu hướng: chỉ có tăng mà không có giảm khiến công tác quản lý giá sữa gần như bất lực.
Giá sữa bột tăng 16%/năm
Nhận xét về thị trường sữa bột Việt Nam trong năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 3 năm từ 2008-2010, sữa bột ở nước ta đã tăng giá 16 lần, mỗi lần tăng từ 3-10%. Giả sử chỉ tăng 3%/lần thì giá sữa bột cũng đã tăng ít nhất là 16%/năm. Ví dụ, giá một hộp sữa bột người tiêu dùng phải bỏ tiền ra mua vào đầu năm là 200.000 đồng/hộp thì đến cuối năm, giá đã là 290.000 đồng/hộp.
Cùng chung đánh giá này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, giá sữa nước chỉ ở khoảng 0,5-0,9 USD/lít ở một số nước Âu - Mỹ và Ấn Độ, tại Trung Quốc là 1,1 USD/lít so với giá sữa ở Việt Nam là 1,4 USD/lít. Từ năm 2008-2010, giá sữa bột ở Việt Nam tăng liên tiếp trong 3 năm liền, trung bình từ 10-20%/năm, tùy từng loại. Điều này có thể hiểu là giá sữa tại Việt Nam chỉ có tăng chứ không có giảm trong những năm qua.
Sẽ kiểm soát chặt giá nguyên liệu sữa nhập khẩu
Theo cơ quan quản lý giá của TP.HCM, kết quả kiểm tra giá nhập khẩu và giá bán lẻ một số sản phẩm sữa bột đóng hộp nhập khẩu, chênh lệch giữa giá sữa trên thị trường với giá sữa nhập có khi lên tới gần 2 lần. Trước phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng, Bộ Tài chính trong năm 2010 đã kiểm tra và có kết luận, nhiều mặt hàng sữa tại thị trường Việt Nam phải gánh quá nặng chi phí quảng cáo và yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động này, nhằm ổn định giá sữa, đưa giá sữa về đúng với thực tế.
Sự “vênh” nhau giữa giá sữa trong nước và giá sữa thế giới đã phản ánh sự vận động không hợp quy luật của giá sữa tại thị trường Việt Nam. Giá sữa trong nước tăng liên tục trong khi giá sữa trên thị trường quốc tế đều giảm bình quân từ 35,49% - 38,13%/năm đối với sữa bột béo và từ 28,66 - 38,13%/năm đối với sữa bột gầy. Hơn nữa, thuế nhập khẩu sữa các loại đang giảm 20%, với lộ trình 5 năm theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Một chuyên gia thị trường cho rằng: “Khi giá sữa bột trên thị trường thế giới thay đổi từng ngày thì giá sữa thành phẩm trên thị trường Việt Nam có thay đổi nhưng chỉ theo xu hướng tăng. Điều đó phản ánh khả năng điều tiết thị trường ở Việt Nam là quá yếu kém.
Bình ổn giá thế nào?
Đầu năm 2011, giá sữa trên thị trường thế giới tăng nhẹ so với giá cuối tháng 12-2010. Các chuyên gia trong ngành dự báo, trong xu hướng giá lương thực thực phẩm toàn cầu đang tăng, giá sữa và các sản phẩm sữa sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tại thị trường Việt Nam, từ đầu tháng 1-2011, nhiều mặt hàng sữa: Friso, Hanco, Dutch Lady… đã đồng loạt tăng giá bán.
Một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đã quyết định tăng giá thu mua sữa tươi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trên thị trường sữa có hiện tượng các đại lý, các điểm bán lẻ tự ý tăng giá sữa tươi sau tết (tăng giá trước khi doanh nghiệp có quyết định). Theo một chuyên gia kinh tế, giá sữa cần được niêm yết trên sản phẩm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Trước nay, các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký giá bán và cơ quan chức năng căn cứ vào mức giá đăng ký để kiểm tra, khiến người tiêu dùng khó kiểm soát.
Nhằm bình ổn giá sữa trên thị trường, thời gian tới, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính sẽ phối hợp trong việc quản lý các số liệu tổng hợp chung về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu. Cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ phải cung cấp số lượng và giá của 4 loại nguyên liệu sữa gồm: bột gầy; nguyên kem (sữa bột toàn phần); bột béo; bột whey, bột sữa nước. Đặc biệt, phải chi tiết hóa số liệu về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu đối với một số công ty và thương hiệu sữa bột ngoại nhập. Về lâu dài, Tổng cục Hải quan định kỳ cung cấp số liệu vào ngày 10 và 20 hàng tháng.