Thông tin này tạo một tâm lý lo lắng cho nhiều người dân khi trong một số siêu thị, thực phẩm, hoa quả được bao gói, được “đóng dấu” và khi đọc kỹ bao bì, phát hiện đây là sản phẩm… chiếu xạ. Họ ngộ nhận rằng, thực phẩm khi đã chiếu xạ sẽ dễ nhiễm chất phóng xạ, rất nguy hiểm đối với sức khỏe.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Thuấn, nguyên cán bộ Trung tâm Chiếu xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, kỹ thuật chiếu xạ thực phẩm thường sử dụng các tia bức xạ, chủ yếu là tia gamma được phát từ các chất phóng xạ Coban 60 hoặc Xesi 137… và từ những năm 1960, các nước Mỹ, Pháp, Đức, Anh… đã dùng chiếu xạ để diệt khuẩn, loại trừ sâu bệnh đối với một số thực phẩm. Kể từ đó, kỹ thuật này được sử dụng nhiều hơn và tất nhiên, việc hoài nghi về hiệu quả, tính an toàn của việc sử dụng chiếu xạ thực phẩm cũng tăng dần theo thời gian...
Đặc biệt gần đây, có thông tin, người tiêu dùng châu Âu nghi ngờ thực phẩm chiếu xạ. 30 hiệp hội bảo vệ sinh thái đã gửi thư ngỏ đến Nghị viện châu Âu đề nghị đánh giá nghiêm túc về các nguy cơ liên quan đến chiếu xạ thực phẩm, nhất là hậu quả lâu dài…
Thực tế, việc sử dụng chiếu xạ thực phẩm không thể gây ra biến đổi hạt nhân. Các bức xạ ion hóa như tia gamma, tia X hoặc chùm tia điện tử sử dụng trong chiếu xạ thực phẩm là bức xạ sóng điện từ, giống như sóng rada, sóng vô tuyến, ánh sáng..., song năng lượng lớn hơn.
Khi dùng các bức xạ ion hóa này để xử lý thực phẩm, thực phẩm không hề tiếp xúc với chất phóng xạ mà chỉ bị chiếu tia, do đó không thể bị nhiễm và trở thành “thực phẩm phóng xạ” được. Các tia xạ này chỉ tạo ra trong thực phẩm sự ion hóa các phân tử, nguyên tử và tạo ra các ion; các ion sẽ tái hợp sau nhiều nhất nửa giờ, cô lập các vi khuẩn, hạn chế nhiều mầm bệnh.
Bên cạnh đó, các tài liệu chính thống về thực phẩm chiếu xạ đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận cảnh báo nào không an toàn cho người tiêu dùng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)... cũng nghiên cứu, công nhận sau chiếu xạ, thực phẩm không xuất hiện bất kỳ độc tố nào, không có sự thay đổi các thành phần hóa học gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe con người. Vì thế, không có cơ sở khoa học khẳng định ăn thực phẩm chiếu xạ sẽ bị ung thư, vô sinh, sản phụ sinh con quái thai.... như tin đồn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Hội Dinh dưỡng học Việt Nam cho rằng: “Cơ bản, thực phẩm chiếu xạ không khác các thực phẩm chưa chiếu xạ, nếu không có dòng chữ Radura và các ghi chú trên bao bì “thực phẩm chiếu xạ” hoặc “Irradiated food” theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa về thực phẩm quốc tế.
Thực phẩm được xử lý bằng bức xạ ion hóa cũng giống như khi dùng lò vi sóng. Nó không biến thực phẩm thành phóng xạ hay thay đổi chất lượng thực phẩm quá nhiều. Đổi lại, nó giúp thực phẩm an toàn hơn, có thể dự trữ lâu hơn, tiêu diệt được mầm bệnh cho đường tiêu hóa do một số vi khuẩn và vi sinh vật gây ra...”.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu mới đây cũng ghi nhận, chiếu xạ thực phẩm trong một số trường hợp có thể làm mất đi một phần vitamin nhóm B, vitamin A, C, E, K, các amino axit và các axit béo không bão hòa. Các axit béo trong lipid cũng có thể bị cắt mạch hay bị oxy hóa nối đôi, khiến thực phẩm có mùi ôi; các carbohydrates có thể bị cắt mạch thành các polysaccharides ngắn hay bị oxy hóa thành axit hữu cơ gây chua...
Song theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, những cái mất đi này không đáng kể và không ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị dinh dưỡng, hương vị, hình thức của thực phẩm.
Ở Việt Nam từ năm 2004, chiếu xạ thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại các cơ sở hợp pháp. Đây là công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và rất kinh tế, nhưng sở dĩ chưa được sử dụng rộng rãi vì giá một dây chuyền này rất đắt, vài triệu USD.