Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng năng suất, chữ đường cho mía
06 | 04 | 2011
Để mía gốc có lợi về kinh tế, giảm khoảng 30% chi phí sản xuất so với trồng mới (không phải cày bừa đất, hom giống…).

Chăm sóc mía tơ

Cây mía rất cần dinh dưỡng để phát huy hết tiềm năng đẻ nhánh.

Sau khi đã hoàn thành công đoạn làm đất, cần tiến hành bón phân lót cho mía tơ. Bón lót: Phân hữu cơ (các loại phân chuồng, phân hữu cơ chế biến) + phân lân (lân super, lân nung chảy, DAP) + vôi cải tạo đất (có thể sử dụng vôi nung, CaC03, Dolomite) + thuốc trừ kiến và mối. Cần bón 500-1.000kg vôi trước khi bừa xới đất lần cuối cùng. Phân chuồng (hữu cơ tự ủ) bón từ 5 - 10 tấn/ha. Phân hữu cơ chế biến bón từ 1 - 3 tấn/ha (tùy theo chất lượng phân) và 400 - 600kg phân lân nội địa (đất chua thì bón lân nung chảy, đất khác bón super). Bón lót 30% tổng lượng đạm cần bón tương đương với 120kg ure/ha; bón lót 30% tổng lượng phân kali cần bón tương đương với 75kg KCl/ha. Lưu ý phân hữu cơ trộn lẫn với 100% phân lân rồi bón cùng một lúc.

Bón thúc lần thứ nhất khi mía có 5 - 7 lá (sau đặt hom 4 - 6 tuần, tùy giống). Đợt bón phân này quyết định tổng số cây thu hoạch trên đơn vị diện tích, vì giai đoạn này mía bắt đầu đẻ nhánh. Cây rất cần dinh dưỡng để phát huy hết tiềm năng đẻ nhánh của giống (số cây trên đơn vị diện tích là một yếu tố cấu thành năng suất). Bón 35% tổng lượng đạm cần bón tương đương với 135kg ure/ha; Bón 30% tổng lượng kali cần bón tương đương với 75kg KCl/ha.

Bón thúc lần thứ hai khi cây mía bắt đầu vươn lóng (sau trồng 2,5 - 3 tháng tùy giống) mía có 9 - 12 lá. Giai đoạn này rất cần dinh dưỡng để vươn cao và tăng đường kính thân, đồng thời cũng là giai đoạn tăng chữ đường. Bón 35% tổng lượng đạm cần bón tương đương với 135kg ure/ha; bón 40% tổng lượng kali cần bón tương đương với 100kg KCl/ha.

Bón phân mía gốc

Để mía gốc có lợi về kinh tế, giảm khoảng 30% chi phí sản xuất so với trồng mới (không phải cày bừa đất, hom giống…). Giống mía để gốc phải có khả năng tái sinh và đẻ nhánh mạnh. Những ruộng bị sâu bệnh hại nặng không nên để vụ gốc. Khi thu hoạch xong, ruộng mía để lưu gốc phải tiến hành xử lý ngay.

Dùng trâu bò hay phương tiện cơ giới cày xả 2 bên hàng mía theo chiều dài của hàng mía để làm đứt các rễ già và những cây mía mọc quá ra ngoài hàng. Sau đó bón phân hữu cơ, vô cơ theo hàng rồi cày lấp lại và tưới đủ ẩm để mía tái sinh.

Nếu không có nước tưới phải chờ mùa mưa có 2 - 3 cây mới cày xả 2 bên hàng, rồi bón phân hữu cơ, vô cơ vào rãnh cày rồi lấp đất lại để mía tái sinh thuận lợi. Áp dụng bón lót và bón thúc như mía tơ. Chú ý: Lượng phân vô cơ bón cho mía gốc phải tăng thêm 15 - 20% so với bón mía tơ.



Theo Dân Việt
Báo cáo phân tích thị trường