Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón lại sắp tăng
22 | 04 | 2011
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa thông báo sẽ lại phải tăng giá phân bón khi vụ hè thu đang đến gần bởi chi phí đầu vào cao.

Cho rằng hàng loạt các yếu tố đầu vào tăng giá như tỷ giá, điện, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh và mới đây nhất là giá than tăng 40% cho sản xuất phân bón, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa thông báo sẽ lại phải tăng giá phân bón khi vụ hè thu đang đến gần.


Trao đổi với NTNN, ông Bùi Thế Chuyên - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - Tập đoàn Hóa chất VN cho biết, từ 1.4.2011, giá than bán cho sản xuất phân bón đã tăng 20% với than cục, còn than cám tăng 40%. Các mức giá này sau khi tăng đã bằng 90% giá than bán trên thị trường.

Với các hộ tiêu thụ than lớn như phân bón thì giá bán như trên không có ưu đãi gì nữa. Việc giá than tăng làm cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón không thể không tăng chi phí và giá bán sản phẩm.

Thưa ông, vậy mức tăng giá phân bón tới đây của doanh nghiệp sẽ là bao nhiêu?

- Chúng tôi sẽ phải tăng bằng mức tăng của chi phí đầu vào. Chưa kể tăng giá than, chỉ tính riêng ảnh hưởng của 5 yếu tố đầu vào là tỷ giá, điện, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh, chi phí sản xuất năm 2011 của chúng tôi đã tăng khoảng 2.400 tỷ đồng, bằng 8,2% tổng doanh thu năm 2010 của tập đoàn. Với giá thành phân đạm, sau khi giá than tăng thì giá tăng lên 18%, với phân lân là 7%...

Hiện nay, phân bón sản xuất trong nước đang không đáp ứng đủ nhu cầu. Với việc tăng giá phân bón sản xuất trong nước như vậy sẽ gây tác động như thế nào tới thị trường phân bón tới đây?

- Với phân super lân và lân nung chảy, hiện chúng ta đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường trong nước. Giá các loại phân này sẽ chỉ tăng theo chi phí đầu vào. Chúng tôi đã cân đối nhu cầu vụ hè thu và sản xuất hết công suất để đảm bảo bình ổn thị trường. Song với phân DAP, urê, kali thì rất khó dự báo, bởi chúng ta đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu và thị trường thế giới.

Hiện sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% urê, kali nhập gần 100%, DAP nhập 50-60%. Do phụ thuộc nên chúng ta không thể bình ổn thị trường được. Thị trường phân bón thế giới tới đây còn rất phức tạp với xu hướng tăng lên. Giá phân trong nước còn tăng thì không tránh khỏi những hệ lụy đến giá phân nhập khẩu.

Theo ông, phải có giải pháp nào để ổn định được thị trường phân bón, tránh việc giá phân tăng quá mức khi nông dân bước vào vụ sản xuất?

- Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát mạnh thị trường. Mỗi khi vào vụ sản xuất, giá phân bón thường biến động mạnh trên thị trường tự do, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng không chỉ tới nông dân, mà còn ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp vì bán hàng sẽ khó khăn. Bản thân doanh nghiệp không thể nào làm nổi việc này. Bên cạnh đó, phân bón giả, kém chất lượng cũng phải được tăng cường kiểm soát, nếu không doanh nghiệp cũng "chết luôn".

Xin cảm ơn ông!



Theo NTNN
Báo cáo phân tích thị trường