Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã giảm 8% trong tuần đầu tháng 5 vì làn sóng bán tháo chung trên khắp các thị trường bởi nỗi lo kinh tế. Giá tiếp tục giảm trong tuần này khi Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kìm lạm phát, kết hợp với giá dầu thô giảm làm giảm nhu cầu đối với cao su thiên nhiên.
Kể từ cuối tháng 4, nông dân ở các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới đã quay trở lại cạo mủ sau mùa rụng lá. Nhu cầu cao su thiên nhiên trong khi đó bị đe dọa vì giá dầu hạ nhiệt và thắt chặt tiền tệ ở Trung Quốc.
Mặc dù số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm, nước này đã nhập khẩu 640.000 tấn cao su thiên nhiên, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng những ngày gần đây, các thương nhân giảm hẳn lượng mua từ nước ngoài bất chấp dự trữ thấp nhất 2 năm. Các nhà phân tích cho rằng, việc đất nước nhập khẩu cao su nhiều nhất thế giới giảm mua và cung tăng, đặc biệt từ Thái Lan, sẽ gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Một cuộc khảo sát mới đây của hãng Reuters với các nhà phân tích và thương cũng cho thấy, giá cao su giao dịch kỳ hạn tại Tokyo sẽ giảm trong 2 tháng tới, với cao su giao sau 6 tháng (tức là tháng 10 hiện nay) khả năng sẽ chỉ đạt 400 yên/kg vào cuối tháng 5, so với dự kiến 480 yên/kg khảo sát trước đó. Cuối tháng 6, giá sẽ giảm tiếp còn 350 yên/kg.
Giá cao su của Thái Lan, loại RSS3 được dự báo đạt 5,15 USD/kg vào cuối tháng 5, so với 5,7 USD/kg cuối tháng 4 vừa qua. Giá cao su SMR20 của Malaysia có thể chỉ đạt 4,8 USD/kg, từ mức 5,3 USD/kg hôm 29/4. Giá cao su của Indonesia cũng sẽ giảm 0,2 USD xuống còn 4,6 USD/kg vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, nếu có bất cứ lo lắng nào về nguồn cung thì giá cao su sẽ bật tăng trở lại.
Hai năm trước, giá cao su cũng ở xu hướng giảm hoặc đi ngang trong hai tháng 5 và 6 so với các tháng trước đó.
Năm 2010, giá cao su tại Tokyo giảm từ 395 yên/kg cuối tháng 4 xuống còn 380 yên/kg cuối tháng 5 và 343 yên/kg cuối tháng 6. Cùng thời điểm năm 2009, giá đi ngang trong khoảng từ 157 - 159 yên/kg.
Riêng năm 2008, giá cao su tăng tổng cộng 45 yên trong 2 tháng 5 và 6, tương đương khoảng 12% do lũ lụt xảy ra ở các khu vực trồng cao su chủ yếu của Thái Lan, làm việc khai thác mủ bị ngưng trệ. Tại Indonesia, việc khai thác mủ cao su cũng bị tạm ngưng do mưa nhiều. Tại Trung Quốc, hàng tồn kho cạn kiệt buộc các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đẩy mạnh mua vào. Giá cao su tăng mạnh trong thời gian này còn vì giá dầu thế giới lên cao.