Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc đầu tư dự trữ ngoại hối vào sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài
27 | 05 | 2011
Theo một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước, Trung Quốc nên sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để mở rộng đầu vào sản xuất nông nghiệp nước ngoài, trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nước.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức 3,04 ngàn tỉ USD vào cuối tháng 3 vừa qua. Phần lớn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được đầu tư vào trái phiếu Mỹ.

Bà Chen Jie, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Kinh tế nông nghiệp, cho rằng Trung Quốc nên xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất ngũ cốc ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nam Mỹ, châu Phi và một số nước láng giềng, có tiềm năng phát triển hoạt động sản xuất ngũ cốc. Theo bà, Trung Quốc không được phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ngũ cốc nhập khẩu. Mặt khác, vấn đề cung ngũ cốc cũng có thể trở thành vấn đề an ninh quốc gia bất cứ lúc nào. Đồng thời, bà cho rằng các nhà xuất khẩu ngũ cốc nên đình chỉ hoạt động thương mại ngũ cốc khi nguồn cung trở nên khan hiếm.

Các công ty sản xuất trong ngành nông nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, khi sản lượng ngũ cốc và dầu ăn nội địa đang dần chạm ngưỡng hết công suất do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Cả chính phủ Trung Quốc và những nhà giao dịch cũng muốn giảm biến động giá tại những thị trường giao dịch chủ chốt như Sở giao dịch Chicago, và kiểm soát những nguồn lực đầu vào như đất và do đó, đầu tư vào phát triển nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu.

Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết Chongqing Grain Group, tập đoàn sở hữu nhà nước đã bỏ ra 2,5 tỷ NDT mua đất tại Brazil để trồng đậu tương, một phần trong kế hoạch đầu tư 3,4 tỷ USD để trồng các loại cây có hạt cho dầu, gạo, dầu hạt nho ở Canada và Úc, dầu cọ tại Malaysia và gạo ở Campuchia.

Julong Group, một nhà nhập khẩu và giao dịch dầu cọ tư nhân, đã đầu tư 200 triệu USD mua 20 ngàn hectare đất tại Indonesia để trồng dầu cọ. Công ty này có kế hoạch mở rộng khu vực sản xuất dầu cọ ở nước ngoài lên 200 ngàn hectare, tương đương mức đầu tư 2 tỷ USD. Trong khi đó, Cofco Group, tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, đang có kế hoạch mua lại nhà sản xuất đường Tully Sugar Ltd., của Úc để cạnh tranh với Bunge Ltd., của Mỹ.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu cọ và đậu tương lớn nhất thế giới, đang nỗ lực duy trì chỉ số ngũ cốc tự cung cấp ở mức an toàn trên 95%. Nước này đang trở thành nhà giao dịch lớn trên thị trường ngô toàn cầu do nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi và chế biến công nghiệp tăng cao. Năm 2010, Trung quốc đã nhập khẩu 1,57 triệu tấn ngô, lượng nhập khẩu cao nhất trong thập kỷ qua.

Kim Dung
Nguồn: Dow Jones Newswires


Báo cáo phân tích thị trường