Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Đại họa tôm chết
07 | 06 | 2011
Theo Cục Thú y, Bộ NNPTNT, diện tích tôm nuôi bị chết của 7 tỉnh khu vực ĐBSCL đã là 52.470ha.

Và tình hình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nông dân đang đau xót nhìn những con tôm phơi xác giữa ao.

 

Tan tác những đàn tôm

Sáng 6.6, gặp PV, ông Diễm Hằng - chủ trang trại trên 50ha nuôi toàn tôm sú thuộc loại lớn nhất, nhì xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), than: “Tiêu hao mấy chục ao nuôi như thể cầm hơn 500 triệu đồng mang đổ sông, đổ biển. Tui tiếc đứt ruột!”.

Không khác gì ông Hằng, mấy anh em bà con của ông Yến, ông Tháo, ông Hấu ở phường Trà Kha, TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu) cũng mất trắng mỗi người hơn 10 ao nuôi tôm. Cùng khu vực ấy, nhiều hộ áp dụng phương châm “thua keo này bày keo khác”, tiếp tục thả nuôi lại đến 3 đợt liên tiếp/tháng, nhưng đều thất bại cả 3 lần, đi đứt khoảng 80 triệu/ao và lâm nợ.

Tại tỉnh Trà Vinh, diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại khoảng 1.200ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú. Tôm nuôi khoảng 25 - 45 ngày tuổi thì xuất hiện bệnh đỏ thân, đốm trắng rồi chết hàng loạt. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng cộng có hơn 1.000 hộ dân bị thiệt hại với ước tính trên 10 tỷ đồng.

Ông Kiên Minh ở xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: “Tôi thả nuôi 2 ao với 200.000 con giống nhưng gần 1 tháng tuổi thì phát bệnh rồi chết sạch. Tất cả vốn liếng hơn 40 triệu đồng vay ngân hàng đều trôi theo con tôm…”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre có 500ha tôm sú nuôi bán công nghiệp bị thiệt hại, tập trung ở 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Ngoài ra, còn có khoảng 80% diện tích nuôi tôm sú trên ruộng lúa (khoảng 3.900ha) ở huyện Thạnh Phú cũng xóa sổ. Nhiều hộ dân khi tôm chết thì xả nước ao ra môi trường bên ngoài rồi xử lý ao để thả nuôi tiếp mong gỡ vốn. Ngờ đâu, thiệt hại của họ nặng nề hơn.

Hết lo tôm chết, chỉ lo trả nợ

Người khá giả thì còn đường sống, bởi họ còn vốn để tái sản xuất vụ sau. Trong khi hàng nghìn hộ nông dân nghèo ít vốn, bị thất bại vụ nuôi đầu của niên vụ này, muốn nuôi lại là cả một vấn đề khó khăn. Ông Ngô Thuận (xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu), hỏng trắng 3 ao, mất đi gần 200 triệu đồng. Giờ ông không lo tôm chết nữa. Bởi còn tôm đâu nữa mà lo! Lo nhất bây giờ là nợ tiền thức ăn, tiền giống… chưa biết cách gì trả nổi.

Nhiều hộ áp dụng phương châm “thua keo này bày keo khác”, tiếp tục thả nuôi lại đến 3 đợt liên tiếp/tháng, nhưng đều thất bại cả 3 lần, đi đứt khoảng 80 triệu/ao và lâm nợ.

Hàng chục hộ tại khu vực Vĩnh Trạch Đông và Trà Kha (Bạc Liêu) giờ chỉ biết treo ao, chờ vay được vốn mới làm tiếp. “Khoảng thời gian cho ao nghỉ, gia đình tôi chia nhau đi làm thuê, chờ cơ hội thả nuôi lại. Vả lại, cũng cần có ít vốn mới tính chuyện sản xuất, còn hiện tại thì tui đang trắng tay” - nông dân Trần Dân buồn bã nói.

Tại hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh thủy sản tổ chức sáng 5.6 tại Sóc Trăng, Bộ NNPTNT đã thông báo thiệt hại tôm nuôi với những con số khủng khiếp. Nhưng đó cũng chỉ là những con số thống kê được, còn thực tế, thiệt hại của nông dân cao hơn nhiều khi thời tiết mấy ngày gần đây nắng nóng kéo dài, môi trường hồ tôm ô nhiễm trầm trọng hơn... Cơm, áo, gạo tiền và cả chuyện học hành của con cái những hộ nuôi tôm đang ngày ngày mất đi ngay trước mắt họ.

Lo cho nông dân

Những ngày qua đã có rất nhiều đoàn công tác, thực địa khảo sát tại các tỉnh có tôm sú nuôi bị thiệt hại. Các chuyên gia đã lấy mẫu tôm chết, mẫu đất, nước và tiến hành phân tích xác định nguyên nhân. Nhưng cách nào ngăn chặn những ao tôm chết “nối đuôi” vẫn là bài toán khó. TS Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, nhận định: Tôm chết hàng loạt là do bị bệnh hoại tử, teo gan. Theo ông, bệnh có khả năng xảy ra đã khá lâu (khoảng tháng 7.2010), ủ bệnh và đến tháng 3.2011, dịch bệnh bùng nổ...

Nhằm giúp nông dân nuôi tôm phần nào giảm mức độ thiệt hại, đã có nhiều khuyến cáo như vệ sinh ao, chú trọng chất lượng con giống… được đưa ra, nhưng theo thạc sĩ Phan Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu: “Đó chỉ là các giải pháp tình thế”. Lúc nào mới có giải pháp thiết thực để ngăn tình trạng tôm chết vẫn là một dấu hỏi. Và điều lo nhất là bài toán vốn tái đầu tư cho vụ tiếp đó sẽ là vấn đề không đơn giản.

Theo Vũ Khánh - Hoàng Mai

            Dân Việt


Báo cáo phân tích thị trường