Giá sàn mà chính phủ nước này công bố cho các vụ mùa, bao gồm thóc, đậu tương và ngô tăng, giúp thúc đẩy sản xuất. Chính phủ Ấn Độ đặt giá các loại lương thực để đảm bảo thu nhập cho nông dân và bán cho người nghèo các loại ngũ cốc, dầu ăn đã được trợ giá. Do đó, việc tăng giá lương thực sẽ gia tăng áp lực lạm phát tại Ấn Độ. Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã phải tăng lãi suất 9 lần kể từ tháng 3/2010. Giá thực phẩm toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2 vừa qua do nhu cầu tăng, trong khi sản xuất toàn cầu đình trệ.
Giá thực phẩm tại Ấn Độ cao cũng sẽ là một nhân tố làm tăng giá sàn của các loại hàng hóa nông sản và tiếp tục gia tăng áp lực lạm phát giá thực phẩm. Chỉ số đo lường giá bán buôn của các sản phẩm nông sản tại nước này đã tăng 9,01% trong tuần kết thúc ngày 28/5 so với cùng kỳ năm trước, và đạt mức cao nhất trong 8 tuần gần đây. Mức lạm phát chung tại Ấn Độ đã lên mức trên 8% trong 16 tháng vừa qua.
Các chính sách của Ấn Độ
Chi phí thực phẩm là một vấn đề gây lo ngại lớn với chính phủ Ấn Độ trong hai năm qua và chính phủ nước này cho rằng lạm phát cần được kiềm chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ấn Độ, nhà sản xuát gạo lớn thứ hai thê giới, đã tăng giá sàn thu mua gạo thô lên mức cao kỷ lục 1.080 Rs/tạ (tương đương 24 USD/tạ), từ mức 1.000 Rs/tạ. Giá đậu tương tăng 17,4%, lên mức kỷ lục 1.690 Rs/tạ và giá đậu phộng tăng với tốc độ tương đương, lên mức 2.700 Rs/tạ.
Lạm phát thực phẩm tại Ấn Độ có thể sẽ bắt đầu từ tháng 10, khi mùa vụ mới chịu ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất tăng và giá dầu cao, bắt đầu được tiêu thụ trên thị trường. Theo nhà kinh tế Sonal Varma, chi phí sản xuất nông nghiệp đã tăng gần 20%; do đó, giá sàn tăng là điều cần làm để hỗ trợ khoản tăng giá đầu vào cho nông dân.
Sản lượng gạo cao kỷ lục
Sản lượng gạo niên vụ 2011 – 2012 của Ấn Độ có thể tăng 7%, lên mức cao kỷ lục 86 triệut ấn do thời tiết thuận lợi.
Mùa vụ bội thu có thể thúc đẩy chính phủ dỡ bở lệnh hạn chế xuất khẩu. Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mỳ từ đầu năm 2007 và gạo không thuộc loại basmati từ tháng 4/2008 để tăng cường nguồn cung nội địa. Ngày 1/6, dự trữ ngũ cốc của Ấn Độ đạt 65,6 triệu tấn, gấp lần 3 lần so với 5 năm trước. Theo ông Sabnavis, chính phủ Ấn Độ đang quá cẩn trọng khi ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo và lúa mỳ.
Kim Dung AGROINFO
Theo Bloomberg