Công cụ Quản lý rủi ro giá nông sản (Agriculture Price Risk Management – APRM), là sáng kiến hợp tác giữa J.P Morgan và IFC, nhằm giúp những nhà sản xuất và tiêu dùng tiếp cận với các công cụ bảo vệ trước diễn biến bất ổn của giá cả. IFC cũng có kế hoạch hợp tác với các ngân hàng khác để mở rộng tầm ảnh hưởng của loại công cụ này.
Trong giai đoạn đầu của sáng kiến, IFC sẽ cam kết cấp tín dụng trị giá 200 triệu USD cho các khách hàng sử dụng các sản phẩm đầu tư cụ thể và J.P Morgan sẽ cung cấp một khoản tài chính tương tự để bảo hiểm cho hoạt động đầu tư này. Hợp tác đầu tư – bảo hiểm này được kỳ vọng sẽ mang đến luồng tiền khoảng 4 tỷ USD nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và tiêu dùng nông sản tại các nước đang phát triển.
Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch bao gồm 9 điểm do Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick đề xuất trong tháng 1 vừa qua, nhằm giải quyết tình trạng giá thực phẩm thế giới biến động ở mức cao, đầy bất ổn. Việc đưa ra các công cụ quản trị rủi ro là một phần trong các cuộc thảo luận giữa các bộ trưởng nông nghiệp trong G20 tại Paris tuần này.
Theo ông Zoellick, tăng trưởng hàng năm sản lượng gạo và lúa mỳ tại các nước đang phát triển đã giảm từ mức 3% trong thập niên 70, xuống mức khoảng 1% hiện nay. Các nước đang phát triển chiếm đến 4/5 tổng dân số toàn cầu.
Khu vực sản xuất nông nghiệp hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nếu không có bất cứ biện pháp mạnh tay nào, năng suất có thể giảm 16% trên toàn cầu và 28% tại châu Phi trong nửa thế kỷ tới. Ngoài ra, sản xuất thực phẩm phải tăng 70% trong cùng thời kỳ để cung cấp đủ thực phẩm cho hơn 9 tỷ người đến năm 2050.
Giá thực phẩm tăng và biến động mạnh từ tháng 6/2010, góp phần đẩy 44 triệu người vào cảnh đói nghèo, với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Hiện thế giới đagn có khoảng 1 tỷ người bị đói trên thế giới.
Kim Dung AGROINFO
Theo The Hindu Business Line