Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo kết quả thực hiện tháng 6 và 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp.
Gạo
Ước tháng 6 xuất khẩu 610 ngàn tấn thu về 300 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên gần 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 15% về lượng và 13,1% về giá trị.
Mặc dù chính sách nhập khẩu gạo của thị trường truyền thống là Philippines thay đổi dẫn đến lượng xuất khẩu sang nước này giảm mạnh, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt cao nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của các thị trường như Indonesia, Cuba và Malaysia.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng ở mức 492 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2010.
Cà phê
Ước xuất khẩu tháng 6 đạt 115 ngàn tấn với trị giá 250 triệu USD. Như vậy tổng lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đạt 913 ngàn tấn với giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị.
Giá cà phê xuất khẩu đang trong xu hướng có lợi cho người trồng, đồng thời các thị trường tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu sang các thị trường gấp từ 2 – 6 lần so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn như Bỉ là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ đạt giá trị 178,5 triệu USD và gấp 5,9 lần so với năm 2010.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 2.184 USD/tấn, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Cao su
Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 6 ước đạt 40 ngàn tấn thu về 160 triệu USD. Tổng khối lượng cao su xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 274 ngàn tấn với trị giá 1,2 tỷ USD; chỉ tăng 14,6% về lượng nhưng tới 80,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Giá cao su tăng liên tục, đến nay giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 4.372 USD/tấn, giá tháng 5 giảm nhẹ so với tháng trước tuy nhiên vẫn gấp 1,6 lần giá cùng kỳ năm 2010.
Nhu cầu tiêu thụ của thế giới vẫn tăng mạnh, tăng trưởng về lượng và giá trị được thấy ở hầu các thị trường lớn của Việt Nam trừ Nga. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất chiếm tỷ trọng 59,5% giá trị xuất khẩu.
Chè
Ước xuất khẩu tháng 6 đạt 8 ngàn tấn với kim ngạch đạt 12 triệu USD đưa tổng lượng chè xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 50 ngàn tấn, kim ngạch đạt 72 triệu USD, giảm cả về lượng (-9,3%) và giá trị (-7,3%).
Giá chè xuất khẩu bình quân 5 tháng duy trì ở mức 1.437 USD/tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2010.
Trái với xu hướng tăng của cà phê, tiêu thụ chè giảm khá mạnh ở hầu hết các thị trường trừ các thị trường có thói quen uống trà ở châu Á như Pakistan, Trung Quốc, Indonesia.
Hạt điều
Tháng 6 xuất khẩu ước đạt 13 ngàn tấn thu về 100 triệu USD. Tổng khối lượng điều xuất khẩu 6 tháng đầu năm ở mức 67 ngàn tấn với trị giá 499 triệu USD, giảm 16,4% về lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Cùng đà tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản, giá điều tháng 5 so với tháng trước vẫn tăng, giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đã đạt 7.445 USD/tấn, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn của ngành điều hiện nay vẫn là thiếu nguyên liệu, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhưng lượng xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn giảm.
Tiêu
Xuất khẩu tháng 6 ước đạt 15 ngàn tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng lên 70 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 368 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng giá trị tăng tới 64,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 5.285 USD/tấn, tăng 70,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Mặc dù một số thị trường có sự sụt giảm mạnh về khối lượng như Đức, Ấn Độ, nhưng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường lớn đều tăng.
Lâm sản và đồ gỗ
Tháng 6, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước đạt 350 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước xấp xỉ 1,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tăng 18%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 99 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
Xuất khẩu thuỷ sản tháng 6 tiếp tục tăng, ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng lên gần 2,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, nhưng các thị trường lớn vẫn tăng trưởng vượt bậc như Mỹ tăng tới 49,6%, Hàn Quốc tăng 33,3%, thị trường EU duy trì sức tiêu thụ khá.
Trong các mặt hàng thuỷ sản thì cá tra là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn cả.
Theo TBKTSG