Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo: Thiếu thực tế
11 | 07 | 2011
Hàng chục DN chế biến xuất khẩu gạo bức xúc rằng quy định Bộ NNPTNT có nhiều điều phi lý với thực tế, nếu không sớm sửa đổi, sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo..

Mấu chốt để được kinh doanh XK gạo theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP là DN phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa, gạo công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy định do Bộ NNPTNT ban hành.

Hôm qua (5.7), tại cuộc họp của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) ở TPHCM, hàng chục doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo bức xúc rằng quy định Bộ NNPTNT có nhiều điều phi lý với thực tế. Nếu không sớm sửa đổi, sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo...

Quy định chưa phù hợp

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), căn cứ theo Nghị định 109, Bộ NNPTNT đã ban hành quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa lúa chuyên dùng và cơ sở xay, xát lúa, gạo phục vụ xuất khẩu theo Quyết định số 560/QĐ-BNN-CB của Bộ NNPTNT. Trên cơ sở đó, sở công thương các địa phương đã đi thẩm định để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (GCN XKG).

Theo ông Phạm Văn Bảy (Phó Chủ tịch VFA, GĐ Cty XNK nông sản thực phẩm An Giang), thực tế ở ĐBSCL, cơ sở xay lúa (bóc vỏ lúa) thường bố trí ngay tại vùng sản xuất lúa hàng hóa để gần nguồn nguyên liệu mà không được bố trí cùng địa điểm, thậm chí không cùng địa bàn tỉnh/thành phố với dây chuyền máy xát trắng, đánh bóng, phân loại và phối trộn của thương nhân. Do vậy, nếu quy định hệ thống máy xay, xát phải nằm trong hệ thống liên hoàn của một cơ sở chế biến như quy chuẩn Bộ NNPTNT là không phù hợp với tình hình thực tế.

“Sở Công Thương xuống Cty tôi, thấy kho một nơi, máy đánh bóng gạo một nơi khác, họ không chịu, yêu cầu cả 2 cái phải “ở chung” theo quy định của bộ. Nói thật tôi xử lý đơn giản lắm, rời cái máy đánh bóng vào kho theo yêu cầu là xong. Sau này khi vào mùa vụ sẽ phải để nó hoạt động đúng nơi đúng chỗ của nó chứ! Khổ, nó cùng là tài sản của Cty tôi chứ có phải của ai đâu!” - ông Bảy phì cười.

Ông Lê Việt Hải (Tổng GĐ Cty CP Mekong Cần Thơ) thì phân tích, thực tế bởi nhu cầu kinh doanh xuất khẩu kho chứa của DN thường được dùng để chứa cả lúa và gạo. Việc chỉ quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của kho chứa lúa và chỉ kho chứa lúa mới được tính là đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không phù hợp với thực tế. Lâu nay phơi, sấy lúa chủ yếu vẫn do thương lái hoặc người sản xuất thực hiện. DN có lò sấy lúa thường không đặt tại kho mà thường bố trí tại một địa điểm riêng.

“Đành rằng bộ muốn nó liên hoàn như 1 dây chuyền sản xuất, nhưng thực tế, không phải bỗng nhiên hàng chục năm qua, DN chế biến xuất khẩu gạo phải tách ra, đặt ở địa điểm phù hợp. Máy xay xát lúa, trấu, bụi mù mịt mà để chung chỗ với máy sấy đánh bóng gạo thì sai quy trình chế biến gạo! Ở Thái Lan, nước chế biến xuất khẩu gạo lớn nhất, nhà máy và kho chứa cũng không bố trí chung nhau nữa là...” - Một DN phân tích.

Cả trăm doanh nghiệp sẽ “treo niêu”

Theo ông Trương Thanh Phong (Chủ tịch VFA), 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 211 DN xuất khẩu gạo. Trong đó, có 50 DN xuất khẩu lớn, từ 10.000 tấn trở lên, chiếm hơn 92% lượng gạo xuất khẩu. 99 DN xuất khẩu trên 5.000 tấn.

Do bất hợp lý trong quy định của Bộ NNPTNT nêu trên, nên đến giờ này, khi kề cận ngày hết hạn (theo Nghị định 109, tới 1.10.2011 nếu không có GCN XKG thì DN sẽ không được xuất khẩu gạo) chỉ có 7 DN được cấp GCN XKG. Trong khi đó, có rất nhiều DN mạnh, hội đủ điều kiện nhưng bởi phi lý nêu trên, chưa được cấp. Ngay mới đây, 4 DN rất mạnh ở ĐBSCL gửi hồ sơ xin cấp giấy cũng không đạt.

Trước bức xúc DN và ý kiến cơ quan chuyên môn địa phương, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4937/BCT-XNK ngày 3.6.2011 đề nghị Bộ NNPTNT xem xét sửa đổi theo hướng chỉ bắt buộc đáp ứng những điều kiện căn bản nhất và đề ra lộ trình hoàn chỉnh tiếp theo để các DN có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên đến giờ này, Bộ NNPTNT vẫn chưa có văn bản điều chỉnh. Nên các sở công thương địa phương, dù biết bất thực, cảm thông với DN nhưng không dám... làm bừa được!

“Nhiều thương nhân đang có thị trường, bạn hàng, kinh nghiệm, uy tín xuất khẩu tốt và kim ngạch xuất khẩu gạo lớn, nhưng do chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định về kho chứa, cơ sở xay, xát nhưng chưa được cấp GCN XKG nên phải ngừng. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu gạo! Nên VFA sẽ làm văn bản gửi các bộ ngành liên quan về vấn đề này” - ông Phong nói.

Theo Ngô Sơn

Lao động


Báo cáo phân tích thị trường