Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khối lượng hạt tiêu giao dịch giảm mạnh
11 | 07 | 2011
Giới phân tích cho rằng, khi Malaysia, Brazil, Indonesia thu hoạch rộ thì giá hạt tiêu sẽ bước vào chu kỳ giảm giá khoảng 2 tháng.

Tiếp nối đà tăng của phiên cuối tuần, giá hạt tiêu trên thị trường Kochi-Ấn Độ tiếp tục tăng nhẹ ngay phiên đầu tuần. Kỳ hạn tháng 7 thêm 22 Rupi lên mức 27.241 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 8 thêm 142 Rupi lên mức 27.678 Rupi/tạ và kỳ hạn tháng 9 thêm 128 Rupi lên mức 27.978 Rupi/tạ.

Qua ngày sau 5/7, giá hạt tiêu nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ. Kỳ hạn tháng 7 giảm 99 Rupi, kỳ hạn tháng 8 giảm 96 Rupi và kỳ hạn tháng 9 giảm 57 Rupi.

Như vậy trong khoảng 10 ngày nay giá tiêu thế giới quanh quẩn ở mức 26.985 - 27.284 Rupi/tạ, tương đương 6.005-6.070 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 7.

Giá hạt tiêu xô trong nước dao động trong phạm vi 105.000-109.000 đồng/kg.


Tuy được dự báo mất cân đối cung cầu từ đầu năm nhưng giá hạt tiêu thế giới vẫn ổn định ở mức cao và có thời gian khoảng hơn 2 tháng tăng trưởng nóng. So với cùng kỳ năm ngoái giá hạt tiêu đã tăng 78,2 %

Khi các nước sản xuất chính Malaysia, Brazil, Indonesia vào vụ thu hoạch kể từ tháng 6 thì giới quan sát thị trường cho rằng hạt tiêu bước vào chu kỳ giảm giá khoảng 2 tháng. Nhưng thị trường cho thấy điều đó chưa xảy ra.

Thời gian gần đây khối lượng hạt tiêu giao dịch giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư ít quan tâm đến thị trường. Chỉ khi các nước sản xuất chính thu hoạch xong mới hy vọng thị trường sẽ sôi động trở lại.

Hôm qua 6/7, giá hạt tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 xuất đi thị trường châu Âu 6.400 USD/tấn, thị trường châu Mỹ 6.500 USD/tấn (C&F), giảm 300-400 USD và giá có thể giảm thêm theo xu hướng đồng Rupi đang mạnh lên so với đồng USD.

Hạt tiêu Brazil loại Bra-ASTA giá 6.300-6.400 USD/tấn và loại Bra1 giá 6.200 USD/tấn, không đổi do sức tiêu thụ mạnh của thị trường châu Mỹ. Loại BG1-Indo giá 6.700 USD/tấn, giảm 100 USD nhờ nguồn cung dồi dào hơn.

Trong khi tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l giá 5.600 USD/tấn và loại 550 Gr/l giá 5.900 USD/tấn, không đổi nhờ sức mua khá mạnh từ khách hàng Trung Quốc. Đặc biệt, tiêu trắng loại DW 630 Gr/l giá 8.200 USD/tấn, tăng 100 USD do nguồn cung đã khan hiếm.

Theo thống kê của ngành Hải Quan, trong nửa đầu tháng 6 nước ta xuất khẩu được 7.922 tấn hạt tiêu các loại, đạt giá trị kim ngạch 45,335 triệu USD.

Lũy kế đến giữa tháng 6 đã xuất khẩu được 62.365 tấn hạt tiêu các loại, đạt kim ngạch 333,125 triệu USD, hoàn thành được 44,55 % kế hoạch năm.

Dự đoán những ngày sắp tới giá hạt tiêu có khả năng đi ngang và giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào hơn.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường