Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm cây cao su: Cung cầu chưa gặp
11 | 07 | 2011
Dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng rủi ro cao là lý do khiến nhiều công ty bảo hiểm không muốn triển khai bảo hiểm cho cây cao su nói riêng, những cây công nghiệp khác nói chung.

Các nhà tái bảo hiểm cũng e dè khi vào cuộc. Thực tế, rất ít nhà tái bảo hiểm nhận tái bảo hiểm trong lĩnh vực này, nếu có thì cũng đề ra các yêu cầu rất khắt khe. Chính vì vậy, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn "im hơi lặng tiếng" với phân khúc nghiệp vụ này.

Được triển khai từ năm 2006, nhưng đại diện Tổng CTCP Bảo Minh thừa nhận, bảo hiểm cây cao su có rất ít khách hàng quan tâm. Chính vì thế, sau hơn 4 năm triển khai, bảo hiểm cây cao su vẫn nằm trong dạng thí điểm và Bảo Minh chưa ban hành chính thức quy tắc bảo hiểm cho sản phẩm này.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc ban quản lý nghiệp vụ của Bảo Minh cho biết, các hợp đồng bảo hiểm cây cao su của Bảo Minh chủ yếu tập trung ở Tây Ninh. Từ đầu năm 2011, Bảo Minh đã cấp được khoảng 15 hợp đồng bảo hiểm cho cây cao su. Tính cả các năm trước đến nay thì Bảo Minh mới cấp được gần 80 hợp đồng bảo hiểm cho nghiệp vụ này. Đây là con số quá nhỏ bé so với số lượng hợp đồng bảo hiểm của các nghiệp vụ khác, cũng như so với tiềm năng thực của thị trường.

"Các hợp đồng này thường được cấp qua ngân hàng. Thực tế, khách hàng chủ yếu tham gia bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng, chứ không phải yêu cầu bảo hiểm do nhận thức được vai trò thiết thực của bảo hiểm", ông Ngọc Anh nói và cho rằng, đây là một trong những khó khăn cho các công ty bảo hiểm.

Hiện tại, ngoài Bảo Minh còn có Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) và Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng đang triển khai loại hình bảo hiểm cây cao su. Từ nhiều năm trước, Bảo Việt đã tiên phong trong việc triển khai bảo hiểm cây cao su, bạch đàn, vật nuôi (bò sữa). Tháng 9/2010, BIC công bố triển khai sản phẩm bảo hiểm cây cao su. BIC kỳ vọng sản phẩm sẽ góp phần giúp người trồng cây yên tâm sản xuất và đầu tư vào vườn cây cao su, thông qua việc chung tay cùng họ giảm bớt khó khăn và thiệt hại do bão gây ra.

Tuy nhiên, mặc dù "bắt mạch" được cầu, đi tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm cây cao su, nhưng cả ba doanh nghiệp nêu trên đều ghi nhận những kết quả khá khiêm tốn. Đi theo các hướng tiếp cận khác nhau, Bảo Minh cung cấp sản phẩm trực tiếp cho các hộ gia đình, BIC hướng sản phẩm tới các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nhưng cả hai hướng này đều tương đối gian nan. Các công ty bảo hiểm khó thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm, nhất là đối với các hộ gia đình, khi họ phải phải tính toán kỹ từng đồng vốn đầu tư cho vườn cây. Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, mặc dù mức phí đã được hạ và khá ưu đãi, nhưng hầu như vẫn chưa thuyết phục được khách hàng tham gia.

Việc tìm nhà tái bảo hiểm cho sản phẩm bảo hiểm này cũng là khó khăn lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện mới chỉ có BIC nhận được sự hỗ trợ cả về nghiệp vụ và tái bảo hiểm của Swiss Re. Việc không tìm được nhà tái bảo hiểm khiến doanh nghiệp bảo hiểm e ngại, vì rủi ro rất cao. Thêm vào đó, nguyên tắc của bảo hiểm là số đông, khi chưa đáp ứng được yêu cầu về số đông khách hàng thì các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ dám lựa chọn một số địa bàn có rủi ro hợp lý để triển khai theo lộ trình, sau đó mới mở rộng dần sang các địa bàn khác.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cho rằng, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều chưa có ý định dấn thân thêm vào phân khúc bảo hiểm cây công nghiệp. "Trước mắt, phải tập trung triển khai thật tốt những loại hình bảo hiểm cây công nghiệp đã được đưa ra thị trường như cao su, cà phê", vị này chia sẻ.

Ngành cao su ghi nhận thiệt hại lớn sau cơn bão số 9 hồi tháng 9/2009 là 1.000 tỷ đồng, diện tích bị thiệt hại xấp xỉ 5% tổng diện tích vườn cây trong cả khu vực miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sản lượng bình quân sụt giảm và tổng sản lượng hao hụt khoảng gần 4.000 tấn mủ cao su. Đây là con số đáng nhớ trong lịch sử ngành, cho thấy sự bấp bênh và phụ thuộc thời tiết của người trồng cao su. Đáng tiếc là không có bất kỳ một sự bảo vệ nào về mặt tài chính trước các rủi ro như vậy. Với các cây công nghiệp khác, khi thiên tai xảy ra, người trồng cũng đối mặt với rủi ro tương tự.

Theo Gia Linh

Đầu Tư Chứng Khoán



Báo cáo phân tích thị trường