Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vẫn có nông sản không bị kiểm tra an toàn thực phẩm
14 | 07 | 2011
Sự “mâu thuẫn” của thông tư 13 và Quyết định 254/2006 – Ttg đã khiến cho nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia vẫn có thể vào Việt Nam ko qua kiểm dịch.

Mặc dù theo Thông tư 13, từ ngày 1-7, những sản phẩm có nguồn gốc thực vật bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trước khi nhập vào Việt Nam, thế nhưng nông sản nhập từ Trung Quốc, Lào, Campuchia có thể vẫn lọt qua quy định của thông tư này.

Cũng theo Thông tư 13 thì những sản phẩm nông sản khi nhập vào Việt Nam bắt buộc bao gói có ghi nhãn như tên hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, mã số (nếu có) và các thông tin khác bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu theo Quyết định 254/2006 - TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới thì hàng nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia không cần phải có nhãn mác ghi trên bao bì bằng tiếng Việt.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thì Quyết định 254 đã có hiệu lực từ năm 2006 và lâu nay người dân vùng biên thường trao đổi qua con đường tiểu ngạch nên dù Thông tư 13 có hiệu lực thì cũng khó áp dụng.

Ông Hào cho biết, theo Quyết định 254 thì hàng hóa mua bán qua biên giới dưới 2 triệu đồng/1 người/ /ngày thì không phải làm các thủ tục hải quan. Điều này đồng nghĩa là những hàng hóa này không được kiểm dịch động thực vật hay kiểm tra an toàn thực phẩm.


Như vậy, nông sản nhập từ Trung Quốc, Lào, Campuchia nếu thanh tra thị trường phát hiện không có nhãn mác bao bì có ghi tên tiếng việt thì lẽ ra sẽ xử lý theo quy định của thông tư 13, nhưng nếu người chủ lô hàng nói trên trích dẫn Quyết định 254 thì thanh tra thị trường không thể phạt được, vì hiện tại cả Quyết định 254 (Thủ tướng chính phủ ký) và Thông tư 13 ( Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký) đều có hiệu lực.

Ngoài ra, hệ thống kiểm dịch chỉ đặt tại các cửa khẩu trong khi hằng ngày một số lượng hàng hóa vào Việt Nam từ các nước láng giềng đi theo đường mòn, lối mở đã không được kiểm soát an toàn thực phẩm.

Vì vậy, theo ông Hào, để giải quyết vấn đề trên Cục quản lý và chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã đề nghị bộ đội biên phòng sẽ đảm nhận luôn cả việc kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật đối với những nông sản nhập vào Việt Nam theo những cách nói trên.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường