Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khai thác hải sản cần một cú hích
15 | 07 | 2011
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng: Khai thác thủy hải sản là ngành khai thác tài nguyên tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp nguồn thực phẩm lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo ông Oai, nghề cá còn tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 2 triệu người, trong đó 700.000 lao động trực tiếp trên các tàu cá. Hơn thế, các đội tàu khai thác hải sản còn tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đặc biệt trong tình hình vấn đề chủ quyền biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì ổn định khai thác hải sản, khi nguồn lợi hải sản, nhất là vùng biển ven bờ, ngư trường khai thác truyền thống bị suy giảm và giá nhiên liệu tăng cao? Ông cho biết: Nghề cá là nơi tập trung phần lớn lao động phổ thông, thuộc nhóm người nghèo trong xã hội. Vì vậy chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước như vốn vay tín dụng ưu đãi đóng tàu lớn khai thác hải sản xa bờ (1997); hỗ trợ giá nhiên liệu, thay máy sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên (2008-2010); trang bị máy thu trực canh (2008-2009)… đã phần nào giúp ngư dân khắc phục khó khăn.

Thế nhưng về lâu dài vẫn chỉ là “giải pháp tình huống”, chưa giải quyết được khó khăn cơ bản của nghề cá biển. Nghề cá Việt Nam cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài, bền vững, giải quyết vấn đề liên quan đến chất lượng lao động và công cụ, phương tiện hỗ trợ người lao động.

“Nghề cá nước ta chậm phát triển do tiếp cận phương thức đánh bắt “tự do” (mặc dù ta đã áp dụng cấp phép từ năm 1992). Nguồn lợi hải sản phong phú về giống loài, song trữ lượng lại hạn chế và phân tán, không thành đàn vừa và lớn. Các ngư trường truyền thống mất dần, đối tượng khai thác chính thường xuyên biến động, khó dự báo. Tàu cá đa phần nhỏ, tính chuyên nghiệp không cao, thiếu sự liên kết trong tổ chức khai thác, thiếu các công cụ, phương tiện quản lý và những bất cập trong việc phối kết hợp giữa phương thức quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ…”, ông Nguyễn Ngọc Oai nói.

Trong “Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020”, mục tiêu phải có 40% số lao động nghề cá được đào tạo, theo đó, cần các chính sách liên quan như: Chính sách đối với người học nghề (miễn phí học nghề, hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại và các chính sách khác liên quan đến hợp đồng lao động, chuyển nghề…), chính sách đối với giáo viên, giảng viên (xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ, cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút những người giỏi, có năng lực giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thu hút những người có năng lực tham gia giảng dạy) và chính sách đối với cơ sở đào tạo, dạy nghề cho lao động nghề cá (đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề).

Về tài chính, với số lượng lao động cần được đào tạo nghề hàng năm, nguồn kinh phí đào tạo cũng rất lớn (từ 250-300 tỷ đồng/năm), cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Đặc điểm của khai thác hải sản là tàu cá thường hoạt động “độc lập”, trừ nghề lưới kéo đôi hoặc lưới vây (trường hợp sử dụng 2 tàu). Vì vậy hiệu quả và an toàn đối với hoạt động của các tàu cá phụ thuộc trước hết chính vào khả năng, trình độ quản lý, điều hành khai thác của những người trên tàu (chất lượng lao động) và sự hỗ trợ từ xa, đất liền hay hải đảo (cung cấp các loại thông tin cập nhật liên quan đến hoạt động của tàu cá như thời tiết, ngư trường, thị trường…) hay sự trợ giúp của các tàu cá khác hoạt động trong cùng khu vực.

Nhìn chung chất lượng các bản tin dự báo khai thác còn nhiều hạn chế, chưa thực sự là công cụ hỗ trợ thực thụ đối với các thuyền trưởng tàu cá. Phòng Nguồn lợi thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng được giao nhiệm vụ dự báo khai thác, song chỉ có 5 cán bộ nghiên cứu làm nhiệm vụ kiêm nhiệm và được cấp mỗi năm 250 triệu đồng cho 120 bản tin (bản đồ), có năm không có kinh phí cho nhiệm vụ này.

Đảm bảo thông tin liên lạc giữa tàu cá với đất liền là điều kiện tiên quyết, bắt buộc trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển.

Sau cơn bão Linda (1997), Chanchu (2006), thông tin liên lạc của ngành thủy sản được cải thiện đáng kể, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn I đã được Bộ Thủy sản (cũ) phê duyệt trên cơ sở kết hợp đầu tư bổ sung, nâng cấp hệ thống thông tin hàng hải như đầu tư mới hệ thống giám sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh và các thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá như máy vô tuyến MF/HF có tích hợp máy định vị vệ tinh (GPS); máy thu trực canh chuyên dụng sóng đơn biên (SSB)…

Có được những đầu tư bước đầu đối với hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển là rất quan trọng nhằm cung cấp thông tin liên quan đến thời tiết từ đất liền ra tàu cá. Nhưng việc duy trì, khai thác, sử dụng đảm bảo hiệu quả lại không hề đơn giản. Hệ thống thông tin hàng hải được xem là kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, song hệ thống này lại thuộc Bộ GTVT và Cty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam trực tiếp quản lý. Vì vậy phải có cơ chế phối hợp.

Hệ thống giám sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh công nghệ hiện đại, nhưng kinh phí duy trì không nhỏ. Về thông tin cung cấp cho các tàu cá, ngoài thông tin dự báo thời tiết đã được chuẩn hóa, cần có cơ chế cho các thông tin khác như dự báo khai thác hải sản, hướng dẫn khai thác, tránh trú bão…

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường