Theo nhận định, với đà thuận lợi này, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên của nước ta sẽ lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD vào cuối năm nay.
Nông dân đang được lợi lớn
Theo tổng hợp của Bộ NNPTNT, trong vụ đông xuân vừa qua, cả nước đã được mùa lớn, nhất là các tỉnh miền Bắc với sản lượng lúa tăng tới 260.000 tấn. Từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất khẩu được 4,7 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,3 tỷ USD.
Trong hơn nửa đầu năm nay, Indonesia đã thay thế Philippines để trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam về nhập khẩu gạo. Ngoài ra, các thị trường khác như Malaysia, Cuba đã tăng lần lượt là 99,6% và 137,7% về giá trị. Một số thị trường mới cũng đã xuất hiện là Senegal, Bangladesh và Bờ Biển Ngà.
Nhận định về những diễn biến này, ông Phạm Quang Diệu - kinh tế trưởng, chuyên gia của Công ty cổ phần Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho biết: “Indonesia có khả năng sẽ quay lại nhập khẩu gạo của Việt Nam vào tháng 8, 9 tới đây. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể nhập khẩu gạo của nước ta do tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước của họ đang gặp khó khăn”.
Theo phân tích của Agromonitor, hiện giá thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng khá nóng với giá từ 6.400-6.600 đồng/kg và nông dân đang có lời lớn.
Mới đây, Bộ NNPTNT cũng công bố, tổng sản lượng lúa năm 2011 cả nước có thể đạt 40,78 triệu tấn (tức tăng 880.000 tấn). Với sản lượng này, số lượng gạo xuất khẩu tối đa có thể đạt 7,3 triệu tấn. Ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định: “Từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta làm tốt, sản lượng gạo xuất khẩu có khả năng sẽ còn cao hơn năm 2010”.
Tăng xuất khẩu nông sản
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, một mặt do lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng như: Cà phê tăng 18%; gạo tăng 9%; sắn và sản phẩm sắn tăng 38,9%; cao su tăng 11,4% và một mặt do đơn giá một số mặt hàng tăng như: Hạt tiêu tăng 68,5%; cao su tăng 59%; cà phê tăng 55,7%; hạt điều tăng 44,7%; sắn và sản phẩm sắn tăng 30,8%. Đã có 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD là: Thủy sản đạt 3,1 tỷ USD (tăng 26,1%); gạo đạt 2,3 tỷ USD (tăng 10,5%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,1 tỷ USD (tăng 13%); cà phê đạt 2 tỷ USD (tăng 83,7%); cao su đạt 1,6 tỷ USD (tăng 77,2%).
Tại phiên họp thường kỳ ngày 24.7, Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung nguồn lực bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng xuất khẩu nông sản, lúa gạo, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực trong nước; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường...
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong thời gian vừa qua, kèm theo đó là hoạt động mua bán cà phê giữa nông dân, đại lý và nhà xuất khẩu đang có sự trầm lắng, trong khi các hãng nhập khẩu cà phê nước ngoài thì giao dịch nhộn nhịp, nên các nhà xuất khẩu trong nước còn phải mua lại cà phê của các hãng nước ngoài để giao hàng. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Ngoài việc xuất khẩu các mặt hàng trên, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam cũng đã xuất khẩu được 358 triệu tấn rau quả, tăng 139%.
Theo Dân Việt