Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sớm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp
29 | 07 | 2011
“Nên bình ổn giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và có những hỗ trợ về tín dụng cho nông dân”. TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) nói về giải pháp kiềm chế lạm phát hiện nay.

Ông có thể dự đoán về diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm?

- Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, chúng ta có thể hy vọng tình hình kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm sẽ có những chuyển biến tích cực; lạm phát sẽ dần dần được kiềm chế. Tuy nhiên, việc trụ vững đang là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp hiện nay. Lạm phát hiện là một trong những áp lực nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, trụ vững và vươn lên và một số doanh nghiệp vừa qua đã làm được việc đó. Thế nhưng, với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực nòng cốt, nhiều tính cạnh tranh vẫn là một thách thức lớn.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế trong dài hạn. Theo ông, cần làm gì để vừa kiềm chế được lạm phát vừa phát triển được kinh tế?

- Những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong Nghị quyết 11 là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết liệt nhưng phải linh hoạt hơn, phù hợp với từng loại doanh nghiệp, từng lĩnh vực doanh nghiệp.

Việc giảm, miễn, dãn thuế đang được Quốc hội xem xét là một trong những giải pháp tích cực. Dù vậy, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp về tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chủ trương đã có nhưng cái quan trọng là giải pháp cụ thể; khi đã có giải pháp phải thực hiện quyết liệt và linh hoạt.

Theo ông cần có những giải pháp gì để giảm tác động của lạm phát đến người dân, đặc biệt là nông dân?

- Cái quan trọng nhất vẫn là giảm được lạm phát, giảm được lãi suất ngân hàng đang quá cao hiện nay. Như tôi đã nói, các giải pháp đưa ra là đúng đắn, nếu thực hiện quyết liệt, lạm phát sẽ giảm. Đồng thời, để giải quyết những vấn đề lớn như cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tố chức, nâng cao đầu tư công phải tiến hành dài hạn, đồng bộ, cùng với lộ trình đổi mới. Lộ trình đổi mới phải thực hiện một cách kiên định, tránh những thay đổi đột ngột để doanh nghiệp tiên liệu sự diễn biến của môi trường kinh doanh, có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Cần phải có những giải pháp về tài chính, về vốn cho các DN, hộ sản xuất lớn lẫn các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ lẻ để họ có thể sản xuất ra nông sản với giá thành thấp.

Ông Vũ Tiến Lộc

Hiện Chính phủ và các địa phương đang thực hiện việc bình ổn giá. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các mặt hàng được bình ổn lại chủ yếu là lương thực, thực phẩm, là sản phẩm của nông dân nên lại có tác động tiêu cực đối với họ?

- Lương thực, thực phẩm là nhóm hàng hóa ảnh hưởng lớn đến lạm phát, đến đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân. Vì thế, việc bình ổn giá các mặt hàng này là cần thiết. Tuy nhiên, đồng thời với việc này phải bình ổn giá cho các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, cần phải có những giải pháp về tài chính, về vốn cho các DN, hộ sản xuất lớn lẫn các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ lẻ để họ có thể sản xuất ra nông sản với giá thành thấp.

Nếu làm được điều này, chúng ta vừa đạt được mục tiêu kiềm chế được giá đầu ra của lương thực thực phẩm vừa đạt được mức sinh lợi hợp lý cho người sản xuất.

Xin cảm ơn ông!



Báo cáo phân tích thị trường