Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà xuất khẩu gạo Thái nhắm tới nguồn cung từ VN
30 | 07 | 2011
Để duy trì thị phần, các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện đang hướng tới nguồn cung cấp thóc gạo dự phòng từ Việt Nam, Campuchia hoặc Myanmar.

Để duy trì thị phần, các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện đang hướng tới nguồn cung cấp thóc gạo dự phòng từ Việt Nam, Campuchia hoặc Myanmar trong trường hợp chính phủ mới ở xứ “chùa Vàng” thực hiện cam kết tăng mức giá bảo lãnh đối với gạo trắng từ 10.000 baht/tấn lên 15.000 baht/tấn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Charoen Laothamatas được một số tờ báo lớn tại Bangkok dẫn lời nói: “Các nhà xuất khẩu Thái Lan không thể cạnh tranh trước việc chính phủ có kế hoạch mua thóc gạo với giá cao thế. Do vậy, chúng tôi sẽ phải tìm các nguồn cung mới để phục vụ khách hàng của mình và duy trì công việc làm ăn.”

Trong lúc ông Charoen, người cũng là chủ tịch công ty Uthai Produce, cho hay Uthai Produce sẽ trở thành một công ty thương mại mua thóc gạo từ các nhà buôn bán Việt Nam và chuyển (trực tiếp tới các khách hàng của họ) từ những cảng ở đó.

Theo ông Charoen, chính sách của chính phủ Thái Lan sắp tới cam kết với giá cao sẽ mở đường cho gạo (tám) thơm của Việt Nam thay thế dần gạo Hom Mali (Hương nhài) của Thái Lan trên thị trường quốc tế.

Cam kết của chính phủ mới sẽ mua gạo với giá cao hơn mức giá thị trường vào thời điểm hiện nay sẽ đẩy giá gạo Hom Mali lên 1.400 USD/tấn, tức còn cao hơn cả gạo basmati (Ấn Độ) hiện đang là gạo đắt nhất hiện nay. Nhằm có thể tiếp tục cạnh tranh, các nhà xuát khẩu Thái Lan sẽ tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn, nhất là gạo thơm từ Việt Nam.

Gạo thơm Việt Nam gần đây đã chiếm 35% thị phần tại Hong Kong, nơi gạo Hom Mali của Thái thường chiếm tới 80%, và nắm giữ khoảng 20% thị phần tại Singapore.

Ông Charoen nói rằng chất lượng gạo Việt Nam đã và đang cải thiện rất nhiều và có giá chào bán trung bình chỉ 650 USD/tấn, thấp hơn chừng 400-500 USD/tấn so với gạo Hom Mali và 150-200 USD/tấn so với gạo Pathum Thani của Thái.

Ngoài ra, Thái Lan cũng làm vào thế bất lợi về mặt dịch vụ hậu cần với chi phí vận chuyển một côngtennơ loại 20 bộ (feet) từ Thái Lan sang Mỹ là 1.700-1.800 USD, so với mức giá chỉ 1.350 USD vận chuyển từ Việt Nam.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Chookiat Ophaswongse dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm 50% vào năm 2012, nếu chính phủ nước này không thực hiện các biện pháp hỗ trợ các nhà xuất khẩu.

Bên cạnh chính sách nêu trên, các yếu tố khác có thể tác động đến triển vọng xuất khẩu của gạo Thái là việc đồng baht tiếp tục lên giá so với đồng USD sẽ làm cho gạo nước này trở nên đắt đỏ hơn và Ấn Độ có kế hoạch xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo từ tháng tới.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng 58,3% lên 6,3 triệu tấn trong nửa đầu của năm nay. Điều này đang tạo đà cho Thái Lan đạt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo trong cả năm nay, so với mức 8,5 triệu tấn năm 2010./.

Theo Ngọc Tiến

Vietnamplus



Báo cáo phân tích thị trường