Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho thủy sản Việt Nam
28 | 04 | 2011
Thủy sản là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2010, xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, những thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nhiệp xuất khẩu thủy sản không nhỏ, đòi hỏi nhiều chuyển biến nhằm phát triển bền vững.
“Hiện tượng” XK thủy sản Việt Nam 

Xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong hơn 15 năm qua và nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008 – 2009. Trong vòng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm XK thủy sản đem về 1 tỷ USD/năm. XK thủy sản của Việt Nam đã trở thành hiện tượng của thị trường XK thủy sản thế giới, sản lượng nuôi trồng đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. 

Hiện nay, việc sản xuất và ương giống thủy sản được thực hiện bởi các cơ sở tư nhân, trại sản xuất cá, tôm giống, có sự hỗ trợ của viện, trung tâm nghiên cứu ngày càng chuyên nghiệp và gắn với vùng nuôi. Tại Việt Nam hiện có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản, chủ yếu là tôm và cá tra. Trong đó, có 26 DN đã lên sàn, niêm yết, quản trị hiện đại. Mỗi phân đoạn sản xuất thủy sản XK đều tạo ra một thị trường cạnh tranh cao để đa dạng hóa chủng loại, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, không độc quyền.

Đã hình thành các cụm nuôi trồng – chế biến – XK thủy sản – phụ trợ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tính chuyên nghiệp và năng động của DN trong mỗi phân đoạn cũng đang được nâng lên. Nhiều DN làm ăn bài bản, sử dụng quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, quy mô lớn, áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, nhiều kênh tiếp nhận tài chính – tín dụng, chủ động dịch chuyển trong chuỗi giá trị để tối đa hóa lợi nhuận… 

Những thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh DNXK thủy sản
Thời gian vừa qua, các chính sách thuế, thủ tục hải quan được cải thiện khá nhiều, đặc biệt là việc kê khai hải quan, kiểm tra hàng hóa, hoàn thuế đầu vào, hải quan điện tử. Chính sách nới lỏng tỷ giá VND/USD của Ngân hàng nhà nước có lợi cho doanh thu XK nhưng lại bất lợi cho các khoản vay và tăng giá thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu đầu vào.

Về các hiệp định thương mại, 100% DN có biết, tuy nhiên mức độ tuân thủ còn khá thấp. Kiểm dịch động thực vật được tuân thủ cao nhất (60%); tiếp đến là quy tắc xuất xứ (50%) và thuế quan (42,9%). Mức độ tuân thủ các hiệp định liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và hàng rào kỹ thuật là thấp nhất, trong khi đó, chính sách, quy định rào cản của nước nhập khẩu có xu hướng ngày càng khó khăn. Điều này gây không ít khó khăn cho các DNXK thủy sản.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNXK thủy sản, theo ông Lưu Minh Đức, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có tới 83,3% DN mong muốn được hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn, trong đó chủ yếu là hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, giảm bớt các yêu cầu về thế chấp và định giá tài sản thế chấp cần phù hợp hơn với giá thị trường. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục thuế và hải quan, cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế đầu vào, tinh giản các thủ tục và quy trình hải quan, triển khai thuế và hải quan điện tử.

Các hiệp hội ngành nghề cần tăng cường vai trò của mình trong hỗ trợ DN như: Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, về thị trường giá cả, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, đặc biệt của các nước đối tác, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp…

Với các DNXK, việc tổ chức hệ thống hỗ trợ, cung cấp thông tin và chính sách đối với hoạt động XK là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc kịp thời thông tin cho DN khi có những biến động trên thị trường, tìm thị trường, tìm đối tác. Theo nhiều doanh nghiệp, cần thay đổi hình thức xúc tiến thương mại hiện nay nhằm tránh cạnh tranh trong nội bộ, tăng sức cạnh tranh của ngành hàng.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho thủy sản Việt

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần trở thành ưu tiên hàng đầu của Tổng cục thủy sản, Hiệp hội chế biến và XK thủy sản, các đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Theo kinh nghiệm xây dựng thành công thương hiệu cá hồi của Na-uy, Chi-lê và rượu Cognac của Pháp, cần có một thương hiệu chung theo luật định, nếu không sẽ bị phụ thuộc nước ngoài. Pháp còn có quy trình kỹ thuật của Hội đồng quốc gia liên ngành, có dán nhãn và giá chung…

Để tăng sức cạnh tranh, ngành thủy sản cần có phương hướng phát triển bền vững bằng cách cải thiện chất lượng, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến được quốc tế công nhận như Global GAP. Việc lạm dụng kháng sinh tại các vùng nuôi nguyên liệu cần được xóa bỏ, khuyến khích việc sử dụng các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi. 

Mặc dù trong các mặt hàng XK của Việt Nam, thủy sản được đánh giá là năng động trong việc tìm kiếm thị trường song theo đánh giá của chính các DNXK, vẫn còn nhiều phân khúc của thị trường chưa được khai thác. Ngoài hơn 150 thị trường nước ngoài chưa được khai thác, ngay tại thị trường cũ, nhiều phân khúc cũng chưa được khai thác hết. Vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường hơn nữa. Các thị trường mới sẽ có những nhu cầu, thị hiếu mới thúc đẩy ngành thủy sản phải đa dạng hóa mặt hàng, tối ưu hóa nguyên liệu chế biến, đưa thương hiệu thủy sản Việt Nam có một vị thế vững chắc hơn trên thương trường quốc tế.
Trình độ công nghệ của các DNXK thủy sản được đánh giá khá tốt với 42,4% tiên tiến, 51,5% trên trung bình. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh của DNXK Việt Nam do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiến hành, trong giai đoạn 2007 – 2009, có tới 96,8% DN thủy sản đầu tư trang thiết bị công nghệ mới. Trong đó, 95,8% là các trang thiết bị mới hoàn toàn, phần lớn từ các nước công nghiệp phát triển. 84,4% DN chủ động thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Theo Kinh tế nông thôn
 
 


Báo cáo phân tích thị trường