Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu là cách giảm thiểu tối đa rủi ro
06 | 06 | 2011
Việt Nam đang tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội, cũng có không ít thách thức và rủi ro.
Bởi thế, việc nhận diện rủi ro và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cho xuất khẩu Việt Nam được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó phải kể đến một loại hình khá quen thuộc trên thị trường thế giới nhưng còn đang mới mẻ ở Việt Nam – bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi với ông Christopher Shortell (ảnh bên), Phó Chủ tịch Bảo hiểm tín dụng thương mại, rủi ro chính trị và bảo hiểm tín dụng của Chartis (tên gọi mới của AIG) tại châu Á - Thái Bình Dương và Viễn Đông.
PV: Theo ông, lý do nào doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần mua bảo hiểm tín dụng?
Ông Christopher Shortell: Trước hết, phải nói đến bảo hiểm tín dụng thương mại – đó là việc bảo vệ các khoản thu của người được bảo hiểm trong trường hợp khách hàng (người mua hàng) của họ không thanh toán các khoản nợ do các sự kiện về tài chính và chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, đa số các doanh nghiệp triển khai hoạt động bán hàng theo điều kiện tín dụng mở, lúc đó, toàn bộ rủi ro trong trường hợp người mua không thanh toán, các doanh nghiệp sẽ phải tự gánh chịu lấy, đó là rủi ro lớn nhất đối với người bán hàng.
Bất cứ doanh nghiệp nào bán hàng hóa hoặc dịch vụ với thời hạn cho nợ ngắn hạn (dưới 180 ngày) cho các công ty khác, đặc biệt là với các ngành công nghiệp điển hình như: Giấy, hóa chất, dược phẩm, thực phẩm, dịch vụ, vải/sợi dệt may, kim loại và điện tử đều cần và có thể mua bảo hiểm tín dụng. Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm – thủy sản, dệt may… đồng thời, lại đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển hướng từ hợp đồng mua bán điều kiện FOB (“Giao lên tàu”- bên bán hàng cần phải trả cước phí xếp hàng lên tàu và sự chuyển dịch các rủi ro diễn ra khi hàng hóa vượt qua lan can tàu tại cảng xếp hàng) sang CIF (Giá thành, bảo hiểm và cước), với tính linh hoạt và tăng sự hấp dẫn của sản phẩm đối với người mua không chỉ thông qua giá cả của hàng hóa mà còn bao gồm các dịch vụ đi kèm: Điều kiện thanh toán linh hoạt, bảo hiểm hàng hóa, trách nhiệm với sản phẩm, do đó, lại càng cần tới hình thức bảo hiểm tín dụng.
PV: Vậy việc mua bảo hiểm tín dụng sẽ có lợi ích như thế nào với doanh nghiệp?
Ông Christopher Shortell: Thông thường, khi có rủi ro xảy ra, tức là có tổn thất thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường với đơn hàng bảo hiểm đó. Tuy nhiên, bảo hiểm tín dụng có lợi ích cho người bán hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu, đó là: Khi các doanh nghiệp bán hàng, thông thường, nếu có bảo hiểm sẽ được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn để sản xuất, kinh doanh; thêm nữa, khi bán hàng trên thị trường mới, doanh nghiệp khó có thể nắm bắt được người mua hàng có tốt không, có đảm bảo không, có đầy đủ khả năng chi trả hay không. Nếu tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm lúc đó sẽ đưa ra những hạn mức tín dụng mà khách hàng đó có thể tiếp cận được bao nhiêu và như vậy, với việc bảo hiểm đó, các bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
Nói một cách khái quát nhất, mua bảo hiểm tín dụng sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp từ rủi ro do việc người mua hàng không thanh toán các khoản nợ (thương mại) phải thu từ hoạt động bán hàng kinh doanh; hỗ trợ giúp doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn hấp dẫn từ các tổ chức tài chính phục vụ kinh doanh; mở rộng bán hàng cho khách hàng hiện tại và tương lai của doanh nghiệp; hỗ trợ cho việc quản lý rủi ro tín dụng; tăng cạnh tranh thâm nhập vào thị trường nước ngoài mới và giảm thiểu khoản nợ xấu.
PV: Có những loại hình bảo hiểm nào Chartis mang đến với thị trường Việt Nam?
Ông Christopher Shortell: Theo kinh nghiệm khi làm việc với các khách hàng là các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi nhận thấy, đối với thị trường Việt Nam, đơn hàng bảo hiểm phù hợp là: người mua hàng có thể chọn công ty hàng đầu, người mua hàng chủ yếu của công ty, có thể là 5-10-15 công ty, sau đó, công ty bảo hiểm sẽ cung cấp hạn mức tín dụng cho những người mua hàng đó, giúp người bán hàng có thể yên tâm bán hàng đã được bảo hiểm trong trường hợp có rủi ro xảy ra hoặc có tổn thất xảy ra.
Đặc biệt, trong thực tế hiện nay, chúng tôi cũng rất thành công trong việc đưa các sản phẩm bảo hiểm tín dụng cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (cá tra, cá basa, tôm…) trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu.
Chúng tôi hy vọng với sự giới thiệu sản phẩm bảo hiểm tín dụng này là một trong nhiều lựa chọn và hỗ trợ về quản lý rủi ro cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
PV: Được biết, ông đã có kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, vậy, ông thấy thị trường xuất khẩu Việt Nam có tiềm năng thế nào với loại hình bảo hiểm này? Theo ông, việc triển khai bảo hiểm tín dụng ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Christopher Shortell: Tôi nghĩ một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam không biết về loại hình bảo hiểm này và họ không nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tín dụng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề về thời gian và nhiệm vụ của chúng tôi là đem đến giới thiệu sản phẩm bảo hiểm mới có thể hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tôi nghĩ có nhiều cơ hội vì Việt Nam đang có những thành tựu rất đáng kể về xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có một yếu tố nữa là thị trường chưa phát triển. Như vậy, chúng ta cần sự hỗ trợ của nước ngoài, trong khi tại các thị trường Châu Âu, Mỹ…, sản phẩm bảo hiểm này đã có rất lâu nên rất dễ dàng tiếp cận thì ở với Việt Nam, còn khá mới mẻ và vì thế, rất cần thời gian nhất định.
Tôi cũng phải khẳng định rằng: Việt Nam là nước mạnh phát triển về xuất khẩu nên có nhiều cơ hội và rất tiềm năng. Nói một cách đơn giản như thế này, ví dụ các sản phẩm khác trên thị trường, mọi người đã mua rồi, đã có rồi, nhu cầu tăng lên chưa nhiều, nhưng ở Việt Nam, thị trường chưa có, chưa phát triển, ít doanh nghiệp mua bảo hiểm. Do đó, khi phát sinh các vấn đề liên quan xuất nhập khẩu, bán hàng thương mại và hàng hóa tín dụng, nhiều công ty, doanh nghiệp sẽ quan tâm. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy mình có nhiều cơ hội. Tất nhiên, cũng cần phải có sự hướng dẫn, định hướng thị trường, giới thiệu thị trường một cách cụ thể và đầy đủ hơn để khách hàng biết, hiểu, tự nguyện tham gia vào thị trường và cảm thấy được ích lợi khi mua sản phẩm bảo hiểm đó.
PV: Xin ông cho biết Chartis đặt mục tiêu như thế nào ở Việt Nam về thị phần và doanh số? Thời gian cụ thể?
Ông Christopher Shortell: Hiện tại, Chartis sẽ tập trung vào các mặt hàng nông – thủy sản, đặc biệt chế biến và xuất khẩu thủy sản. Bởi vì đó là những công ty đầu tiên đối với ngành xuất nhập khẩu đã chuyển đổi hình thức thanh toán, bán hàng sang hình thức tín dụng mở. Do điều kiện ngày càng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nếu không cung cấp tín dụng cho người mua, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng. Vì thế, các doanh nghiệp phải đổi điều kiện thanh toán. Một trong những lý do giúp họ đổi điều kiện thanh toán là họ có bảo hiểm tín dụng. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra khi ngân hàng không trả tiền là họ đã được công ty bảo hiểm đứng ra bồi thường.
Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm khi làm việc với các doanh nghiệp đó. Họ rất cởi mở, luôn sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sao cho họ có lợi ích nhất trong hoạt động kinh doanh.
Còn đối với việc đặt ra một mốc thời gian cụ thể cho mục tiêu về thị phần. Doanh số thực ra rất khó nói vì thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ, lẻ. Trong bối cảnh đó, chúng tôi sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hạng trung và hạng lớn, không tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản


Báo cáo phân tích thị trường