Bất chấp khó khăn
Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí đầu vào tăng làm tăng giá thành sản phẩm. Điều này tác động tiêu cực tới việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi, mặc dù chi phí đầu vào tăng, nhưng do nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát không thể tăng giá bán. “Giá đầu vào tăng mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn phải giữ giá bán một thời gian để “giữ chân” khách hàng”, bà Phạm Thị Liễu, Tổng giám đốc Công ty MSA - Hapro cho biết.
Theo nhiều doanh nghiệp, trong các yếu tố cấu thành chi phí đầu vào, lãi vay ngân hàng cao là vấn đề khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất. Có đến 85% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang phải vay vốn ngân hàng. Trong đó, 33% doanh nghiệp cho biết, ngay với mức lãi suất vay vốn bình quân khoảng 14%/năm trở lên thì đối với họ cũng là quá cao và “khó có thể chịu được mức lãi suất này lâu hơn nữa”. Chỉ 19% doanh nghiệp cho rằng, có thể chấp nhận được mức lãi suất này. Nhiều doanh nghiệp cho biết, với lãi suất cao như vậy, doanh nghiệp phải chọn cách đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn. Một số khác cho biết, phải chấp nhận rủi ro lớn hơn để đầu tư vào những dự án có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn.
“Bất ổn kinh tế vĩ mô là tác động tiêu cực lớn nhất đến hoạt động của doanh nghiệp”, báo cáo VBiS nhận xét. 40% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã phải gánh chịu những tác động tiêu cực này. Chỉ 18,8% doanh nghiệp cảm thấy các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ có tác dụng tốt đến doanh nghiệp. Theo kết quả VBiS, doanh nghiệp đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực chính sách và hiệu quả điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ khá cao doanh nghiệp cho biết, những nỗ lực này chưa tạo ra sự chuyển biến. “Doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ sớm được cải thiện và cũng kỳ vọng ngày càng cao hơn vào nỗ lực của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn và dễ hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn và bền vững”, ông Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Thành nói.
Thiếu vốn, đừng chỉ nghĩ đến ngân hàng
Đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức trong việc huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Những nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công thương Việt Nam (VCCI) cho thấy, doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị với những biến động khó khăn chi phí hiện nay. Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là, phần lớn doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc giảm các chi phí có thể tiết giảm.
Theo khảo sát của VCCI, bên cạnh việc giảm giá thành nhiều doanh nghiệp còn quan tâm đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động. Bởi theo các doanh nghiệp, một khi chất lượng sản phẩm được nâng cao thì giá bán dù có cao hơn, thị trường vẫn có thể chấp nhận. Đây là hướng đi đúng của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Hiện, số lượng doanh nghiệp được thành lập hàng năm khá lớn, năm 2010 có gần 80.000 doanh nghiệp mới được thành lập, đưa con số doanh nghiệp đăng ký lên trên 500.000. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động thực sự chỉ chiếm khoảng 65%. Điều đó cho thấy, ngay trong điều kiện bình thường thì doanh nghiệp cũng đã bị sàng lọc rồi, chứ không phải chỉ trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần cố gắng để có nhiều doanh nghiệp tồn tại được sau khi thành lập. Bởi sự đổ vỡ của mỗi doanh nghiệp kéo theo sự mất mát không chỉ riêng của cá nhân chủ doanh nghiệp mà còn của xã hội (lao động mất việc làm, đói nghèo, tệ nạn xã hội nảy sinh…).
Các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn ai hết về những giải pháp khắc phục khó khăn hiện nay. Một việc mà nhiều doanh nghiệp nên làm là xác định được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng sản phẩm để xem khâu nào có thể tiết kiệm, khâu nào có thể cải tiến, khâu nào có thể gia tăng giá trị. Hiện nay, những vấn đề như vậy một doanh nghiệp khó có thể giải quyết nhưng nếu các doanh nghiệp tập hợp, liên kết lại thì có thể xử lý được. Hiện tại, rất cần những sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn như khi doanh nghiệp đang khó khăn về vốn thì tại sao lại chỉ nghĩ đến vay vốn ngân hàng. Có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân mà doanh nghiệp có thể gọi vốn từ họ hoặc huy động vốn qua thuê mua, ứng trước của người mua…
Tất nhiên, để có thể huy động vốn từ quỹ đầu tư tư nhân thì doanh nghiệp phải rất mạnh dạn trong việc thay đổi quản trị công ty, không sợ người khác tham gia vào công việc kinh doanh của mình… Đấy là một trong những cách để doanh nghiệp có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn về vốn hiện nay.
Theo Kinh tế nông thôn