Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo ngại cơn sốt giá gạo mới
05 | 08 | 2011
Gần đây, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL liên tục tăng, khiến nhiều người lo ngại về một cơn sốt giá gạo. Đại diện Bộ NNPTNT đã bác bỏ nhận định này và cho biết, nguồn cung lúa gạo trong nước hiện vẫn đang rất dồi dào.

Giá tăng là hợp lý

Theo số liệu chính thức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 6.400-6.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.650-6.750 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì có giá 10.150 - 10.250 đồng/kg, gạo 15% tấm 9.850 - 9.950 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 9.350 - 9.450 đồng/kg. Tất cả cá loại đều tăng 30-40%.

Ông Phạm Quang Diệu - Kinh tế trưởng- chuyên gia của Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho biết: "Theo tôi, nguyên nhân giá tăng do các doanh nghiệp đã lao vào ký các đơn hàng quá nhiều mà không quan tâm đến nguồn nguyên liệu. Bây giờ đến thời điểm giao hàng, họ phải đẩy mạnh thu gom lúa gạo trong một thời gian, đã đẩy giá lên.

Mặt khác, do các tin tức kỳ vọng trong tương lai đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến giá lúa gạo như việc Indonesia sẽ nhập khẩu của Việt Nam với số lượng lớn, hơn nữa Thái Lan hầu như rất ít giao dịch do họ đang chờ chính sách của chính phủ mới, nên giờ họ vẫn đang găm hàng lại. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là chi phí "đẩy", từ giá phân bón urê đến xăng, dầu đều tăng, nên bắt đầu từ cuối năm 2010, giá lúa gạo đã thiết lập mặt bằng giá mới, chứ không thể giảm sâu được".

Nhiều doanh nghiệp thu mua lúa gạo ở ĐBSCL lại đang "tố" do nông dân "găm" lúa đợi giá lên cao mới bán, đã làm cho các doanh nghiệp lao đao vì giá lúa quá cao, gây khó khăn cho việc thu mua.

Tuy nhiên GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về lúa gạo cho rằng: "Các doanh nghiệp nói nông dân găm hàng, thì chúng ta phải kiểm tra chính các công ty đó xem có găm hàng không. Phải kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ giá của mình là đang theo giá của Thái Lan do chính phủ mới của họ đã tăng giá thu mua cho nông dân, nên mặt bằng giá của mình cũng phải lên theo thôi".

Không lo thiếu lúa gạo

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bộ NNPTNT đã đưa ra dự báo, sản lượng lúa cả nước năm nay sẽ đạt trên 40,7 triệu tấn, tức tăng tới 880.000 tấn so với năm 2010, do đó có thể xuất khẩu 7-7,3 triệu tấn gạo.

Hôm qua (4.8), trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) một lần nữa khẳng định: "Về mặt sản xuất, nguồn cung đang hết sức dồi dào và phong phú. Tôi vừa mới đi khảo sát ở ĐBSCL về xong, hiện ở trong đó bà con đang thu hoạch lúa và năng suất đạt rất cao, tăng tới 2 tạ/ha, có thể nói chưa năm nào năng suất lại cao như năm nay".

Về vấn đề giá cả, theo ông Ngọc: "Chúng ta phải hết sức tỉnh táo để phân tích, bởi tâm lý người nông dân là cứ giá cao thì găm hàng lại, còn giá thấp lại thi nhau đổ hàng ra bán. Do giá cao như vậy, nên các doanh nghiệp không dám mua vì không có lời nhiều. Giá tăng ở đây là do yếu tố tâm lý, chứ không phải vấn đề về nguồn cung".

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng: "Trên thị trường thế giới, chỉ có Thái Lan và Việt Nam có gạo để xuất khẩu, nếu chúng ta mua giá thấp bằng cách không cho xuất khẩu như năm 2008 sẽ rất thiệt thòi cho nông dân. Theo tôi, bây giờ doanh nghiệp mua được giá cao, thì cứ để cho họ mua, vì như thế sẽ có lợi cho nông dân".

Theo VFA, tính đến hết tháng 7 năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 4,6/6,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng. Với mức giá lúa gạo thu mua cao như hiện nay, theo tính toán giá xuất khẩu phải đạt 500 USD/tấn trở lên, doanh nghiệp mới có lời, trong khi giá sàn xuất khẩu hiện nay đang được tính là 490 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 470 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Ông Phạm Quang Diệu đề nghị: "Điều quan trọng nhất bây giờ cần phải xem xét chính là, mầm mống của việc sốt gạo nội địa có thể ảnh hưởng tới lạm phát như giá thịt vừa qua. Do đó, chúng ta cần chú ý đến khâu lưu thông, phân phối thị trường nội địa bằng cách dập tắt các tin đồn gây hiệu ứng dây chuyền như hồi tháng 4.2008".

Cho đến thời điểm này, tại ĐBSCL bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 700.000/1,6 triệu ha lúa hè thu. Ông Nguyễn Trí Ngọc khẳng định: "Bây giờ chúng ta đang có lúa hè thu, thu hoạch xong lại có lúa thu đông, rồi lúa mùa, đông xuân sớm, nên không bao giờ thiếu nguồn gạo. Đây là giá theo mặt bằng chung, do giá đầu vào đều tăng, mà cứ bảo nông dân giữ giá thấp thì rất vô lý.

Chỉ có điều do đây là mặt hàng rất nhạy cảm, chỉ cần tăng giá một tý là các bà nội trợ kêu lên ngay. Tôi vẫn khẳng định, nguồn cung từ ngoài đồng ruộng đến kho tàng đều có rất nhiều hàng, không bao giờ thiếu lúa gạo được. Ngay cả nguồn cung trong nước cũng không bao giờ thiếu".

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường