Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân trồng cà phê Brazil được cảnh báo nên cẩn trọng khi giá tăng cao
06 | 08 | 2011
Theo báo cáo từ Rabobank, mặc dù giá cao nhưng những người trồng cà phê Brazil không nên vội vàng mở rộng diện tích trồng; thay vào đó, vấn đề trọng tâm là giải quyết những vấn đề cơ cấu liên quan đến khả năng cạnh tranh và tạo lợi nhuận trong dài hạn

Khuynh hướng hiện tại, bao gồm cải thiện năng suất và mối liên hệ lịch sử mật thiết giữa giá và diện tích trồng, chỉ ra rằng sự tăng giá cà phê Brazil gần đây có thể khiến nguồn cung cà phê trong niên vụ 2014 – 2015 tăng 27% so với hiện nay.

Nguồn cung tăng từ Brazil, cùng với sản lượng dự đoán cũng tăng tại Colombia, có thể khiến nguồn cung cà phê toàn cầu trở nên quá dồi dào, gây ảnh hưởng lên giá và khả năng tạo lợi nhuận của ngành sản xuất này. Theo báo cáo của Rabobank, những người trồng và cung ứng cà phê cần nắm lấy cơ hội để giải quyết các vấn đề cơ cấu ngành và tránh nguy cơ suy thoái trong tương lai.

Sau vài năm vật lộn với vấn đề khả năng sinh lời từ cây cà phê, hiện những người trồng cà phê tại Brazil đã hưởng lợi từ cây cà phê nhờ giá cà phê trên thị trường thế giới tăng vọt trong thời gian gần đây. Giá cà phê tự nhiên Brazil dao động quanh ngưỡng 125 USD/pound trong vòng 3 năm trước khi tăng liên tục từ giữa năm 2010 và đạt mức cao 266 USD/pound vào tháng 5/2011.

Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi cho sản xuất cà phê tại Brazil có thể không duy trì lâu dài. Rabobank cho rằng sự tăng giá cà phê gần đây có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung trong vài năm tới. Hơn nữa, nếu sự tăng giá này không dựa trên nền tảng nhu cầu tăng cục bộ, giá có thể sẽ giảm một lần nữa, đồng thời gia tăng áp lực lên lợi nhuận biên của ngành sản xuất này.

Những vấn đề cơ cấu ngành

Bất chấp kịch bản vàng cho sản xuất cà phê trong năm 2011, những vấn đề nghiêm trọng trong cơ cấu ngành cà phê của Brazil, trước đó đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất này, không thể bị quên lãng. Trên thực tế, những người trồng cà phê Brazil nên nhìn nhận đây là một cơ hội tốt để giải quyết những vấn đề này và tìm ra những biện pháp phòng vệ trước áp lực về khả năng sinh lời trong tương lai.

Một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là vấn đề quản lý tài sản. Những biện pháp quản lý chi phí nghiêm ngặt nhằm ngăn không xảy ra thua lỗ tại bất cứ khu vực sản xuất nào và nhằm giảm những chi phí không cần thiết là những vấn đề cần quan tâm hàng đầu để duy trì khả năng sinh lời dài hạn.

Một vấn đề quản lý khác là sử dụng các công cụ nhiều công cụ để giao dịch cà phê. Các giao dịch tương lai, quyền chọn nên được tăng cường sử dụng, nhằm tối thiểu hoá rủi ro giá cao, hiện đang chi phối thị trường cà phê. Thời kỳ ngành sản xuất có mức sinh lời cao là thời gian lý tưởng để chọn lọc các công cụ thích hợp cho thị trường. Những yếu tố ngắn hạn thuận lợi cho sản xuất cà phê cũng là một cơ hội tốt cho những nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn vào đồng nhất chất lượng và đạt các chứng nhận liên quan đến sản xuất bền vững. Rabobank tin rằng do những yêu cầu chất lượng và sản xuất này đóng một yếu tố tối quan trọng trên thị trường cà phê, những người trồng cà phên phải áp dụng các chiến lược chất lượng và sản xuất bền vững để đảm bảo rằng họ có thể tung ra sản phẩm đúng thời điểm.

Những người trồng cà phê Brazil cũng cần chú ý đến vấn đề sử dụng nhiều lao động hiện tạ và chú trọng hơn vào cơ khí hóa sản xuất cà phê. Trong những điều kiện mà chi phí lao động chân tay được sự đoán sẽ tăng trưởng liên tục, giảm sự phụ thuộc vào lao động chân tay trở thành một vấn đề cấp thiết để tăng khả năng cạnh tranh của người trồng cà phê.

Dựa trên số liệu cho mùa vụ từ 1990/1991 đến 2009/2010, các nhà phân tích tại Rabobank chỉ ra rằng, trung bình, giá 1 bao cà phê bằng đồng USD tăng 1% thì tổng diện tích cho thu hoạch cà phê trong 4 năm sau đó sẽ tăng 0,33%, với giả định rằng các yếu tố ảnh hưởng lên diện tích cho thu hoạch cà phê khác không đổi.

Nguồn cung tương lai

Nếu khuynh hướng quan sát từ phân tích mối quan hệ giữa diện tích cho thu hoạch và giá cà phê duy trì ổn định trong vài năm tới, sự tăng giá nhanh chóng hiện nay có thể sẽ tác động đến diện tích thu hoạch cà phê, cả Arabica và Robusta, qua đó ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê từ Brazil.

Giá cà phê trong niên vụ 2010/2011 đã tăng 50% so với niên vụ trước đó. Rabobank ước tính với sự tăng giá này, diện tích trồng cho thu hoạch cà phê tại Brazil sẽ tăng từ 2,09 triệu ha, lên mức khoảng 2,45 triệu ha trong niên vụ 2014/2015, tương ứng với mức tăng khoảng 17%.

Điều đáng nói là cả các nhà sản xuất lớn và nhỏ đều đóng góp vào sự tăng trưởng diện tích cho thu hoạch này. Các nhà sản xuất quy mô lớn thường có nền tảng tài chính vững chắc hơn, đồng thời cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau cũng dễ dàng hơn. Do đó, các nhà sản xuất lớn có thể tăng vốn để đầu tư sản xuất với chi phí thấp hơn so với các nhà sản xuất quy mô trung bình. Đối với những nông dân sản xuất nhỏ, hiện có khoảng 220 nhà sản xuất nhỏ theo IBGE, họ không khó để tăng thêm 1ha trồng cà phê nhờ chuyển đổi từ diện tích trồng cây ăn quả hoặc các loại cây trồng khác.

Các kịch bản tăng trưởng

Xét đến mức tăng trưởng diện tích trồng cà phê cho thu hoạch có thể đạt đến và nhịp độ tăng trưởng năng suất thống kê quan sát trong 10 năm qua (đạt 3,2%), sản lượng cà phê có thể tăng 27% trong niên vụ 2014/2015 so với niên vụ 2010/2011, lên mức gần 66 triệu bao. Nếu mức tăng sản lượng này diễn ra trong thực tế, chênh lệch cung – cầu hẹp hiện tại có thể được nới rộng ra và gây áp lực lên giá cà phê trong tương lai.

Bắt đầu từ kịch bản cơ sở rằng trong niên vụ 2011/2012, lượng tồn kho giao sau còn rất ít và tiêu dùng nội địa tăng trưởng hàng năm dự đoán ở mức 3,8%, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm dự đoán ở mức 1,25%, tỷ trọng mức tồn kho cuối năm/tổng cầu cà phê nội địa Brazil sẽ tăng từ mức 4% trong hiện tại, lên mức 32% trong niên vụ 2014/2015.

Xem xét một kịch bản lạc quan hơn cho các nhà sản xuất Brazil, dựa trên tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đạt lần lượt 4,5% và 1,5%, tỷ trọng mức tổn kho cuối năm/tổng cầu cà phê nội địa Brazil sẽ đạt 28% trong niên vụ 2014/2015. Dù vậy, tỷ trọng này vẫn cao gấp 7 lần so với mức tỷ trọng trong niên vụ 2010/2011.

Điều đáng chú ý là tăng trưởng sản xuất tiềm năng tại Brazil có thể diễn ra đồng thời với hoạt động tăng cường sản xuất tại các nước sản xuất lớn khác. Chủ tịch Hiệp hội cà phê Colombia cũng chỉ ra rằng đến năm 2014, sản lượng cà phê của nước này có thể tăng trưởng 56%, lên mức tổng sản lượng 14 triệu bao. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những hoài nghi về việc liệu Colombia (nhà sản xuất cà phê Arabica lớn thứ 2 thế giới) có thực sự tăng cường hoạt động sản xuất như các nhà chức trách nước này dự đoán.

Tuy nhiên, nếu thực sự Brazil tăng sản lượng lên mức 66 triệu bao trong niên vụ 2014/2015, cùng với mức tăng sản lượng cà phê tại Colombia, và tốc độ tăng trưởng sản lượng tại các nước sản xuất khác trên thế giới đạt trung bình 3,7%/năm, nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ tăng 20% trong 4 năm tới. Tổng sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2013/2014 sẽ đạt 164 triệu bao.

Một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng đây chỉ là một kịch bản dựa trên những khuynh hướng gần đây. Giới phân tích vẫn tranh cãi về những yếu tố chính tác động đến sự phát triển sản xuất trong tương lai. Ví dụ như liệu tốc độ tăng trưởng sản xuất tại Việt Nam có tiếp tục duy trì nhịp độ như vài năm gần đây hay không.

Giả định rằng tiêu dùng cà phê toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với cùng tốc độ trong thập niên vừa qua (2,3%/năm), đến niên vụ 2013/2014, tổng cầu thế giới sẽ đạt 145,7 triệu bao. Cùng với kịch bản sản xuất cà phê thế giới như trên, chêch lệch cung – cầu trên thị trường cà phê sẽ được nới rộng. Rabobank ước tính mỗi 1% tăng của tỷ trọng dự trữ/tiêu dùng cà phê toàn cầu sẽ làm giảm 1,6% giá cà phê thế giới, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Với những khả năng trên và tính đến kịch bản giá đầy sáng sủa trong thời gian gần đây, những nhà sản xuất cà phê Brazil  cần nhìn nhận đây là một cơ hội để giải quyết các vấn đề cơ cấu ngành, trước đó đã đe dọa khả năng cạnh tranh của ngành cà phê nước này và tìm các biện pháp phòng ngừa những áp lực có thể có lên khả năng sinh lời trong tương lai.

Kim Dung AGROINFO

Theo Commodity online


Báo cáo phân tích thị trường