Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang lao đao?
16 | 07 | 2011
AGROINFO – Tối 11/07, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo ngưng mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mà lẽ ra các doanh nghiệp hội viên của VFA bắt đầu mua từ ngày 15/7, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành động của các doanh nghiệp nhằm đè giá lúa để họ giảm lỗ trong xuất khẩu gạo.
Hiện nay đang có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài núp bóng thương lái trong nước mua gom lúa gạo ở các tỉnh đang thu hoạch rộ như An Giang, Đồng Tháp..., sau đó vận chuyển ra khỏi biên giới VN. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giá lúa gạo cao bất thường so với các năm trước. Một mặt các doanh nghiệp tạm thời ngưng mua tạm trữ nhưng vẫn sẵn sàng tham gia mua nếu giá lúa xuống thấp, một mặt chuẩn bị tư thế bình ổn thị trường, không để giá lúa gạo diễn biến bất thường.
Theo VFA, trong nửa đầu tháng 7, cả nước đã xuất khẩu 222.931 tấn gạo, thu về 106,737 triệu USD, nâng tổng số gạo xuất khẩu từ đầu năm đến hết ngày 14/7 lên 4,135 triệu tấn, trị giá 1,953 tỷ USD. Giá gạo nước ta trong 3 tuần qua tăng mạnh trở lại sau hơn 2 tháng sụt giảm liên tiếp, nhờ nhu cầu cao từ các khách hàng, đặc biệt có lợi thế cạnh tranh hơn so với giá gạo của Thái Lan. Bangladesh mới đây ký hợp đồng mua 200.000 tấn gạo 15% tấm giao trong tháng 7, Indonesia cũng đã thỏa thuận mua 600.000 tấn gạo nước ta để bình ổn giá trong nước.
Trên một tờ báo nhiều chuyên gia cho biết, việc tạm dừng mua lúa tạm trữ là động thái “đè” giá lúa để giảm lỗ cho các doanh nghiệp. Chứng cứ để nói doanh nghiệp bị lỗ được viện dẫn thông tin: “Tính đến ngày 7/7, giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay là 471 đô la/tấn. Nhưng nếu chỉ tính các hợp đồng đã giao trong tháng 6, giá bình quân chỉ 467 đô la/tấn. Còn từ đầu tháng 7 đến nay giá bình quân chỉ còn 463 đô la/tấn”.
Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thời gian qua giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng gần 30 đô la/tấn. Cụ thể, vào cuối tháng 6, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam dao động từ 475-480 đô la tấn, loại 25% tấm có giá 435-440 đô la/tấn. Đến ngày 6/7, gạo 5% tấm có giá tăng lên 485-490 đô la/tấn và 450-455 đô la/tấn đối với gạo 25% tấm. Gần đây nhất, vào ngày 13/7, giá xuất khẩu tiếp tục tăng cao, từ 490-495 đô la/tấn đối với gạo 5% tấm và 455-460 đô la/tấn đối với gạo 25% tấm. Như vậy nếu tính bình quân, từ cuối tháng 6 đến 13/7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao. Không có chuyện giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm làm một số doanh nghiệp bị lỗ như một vài chuyên gia nhận định.
Mới đây, Công ty lương thực Tiền Giang (một hội viên của VFA) sơ kết hoạt động cho biết, mặc dù điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá lúa gạo nguyên liệu, các chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng đều biến động tăng nhưng kết quả kinh doanh đạt mức khá.
VFA khẳng định, hàng năm, vào đầu quí 3 thường là giai đoạn thấp điểm của thị trường xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, năm nay hoàn toàn khác, từ đầu quí 3 đến nay, giá gạo trong nước và xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao.
Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi tại các tỉnh đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu tại ĐBSCL Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long…, giá lúa được thương lái thu gom vẫn ở mức khá cao. Cụ thể lúa thường khô (IR50404) vẫn giữ vững ở mức giá 6.150-6.250 đồng/kg (tùy địa phương); lúa hạt dài cũng đang ở mức khá cao, dao động từ 6.300-6.400 đồng/kg (tùy loại giống và địa phương).
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Ánh (Ba Ánh) giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến xuất khẩu gạo Tấn Tài III, chợ đầu mối Bà Đắc, Tiền Giang cho biết, giá lúa gạo trong nước những ngày qua đang tăng mạnh do nhu cầu xuất khẩu tăng cao.
Giám đốc của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng tại chợ đầu mối Bà Đắc cho biết: “Một số doanh nghiệp nhận định giá lúa sẽ xuống trong 10-15 ngày tới đối với lúa cấp thấp IR50404 là có khả năng. Nhưng, giá xuống không phải do việc VFA tạm ngưng mua tạm trữ, mà nguyên nhân là do thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu cơ bản đã hoàn thành giao cho phía đối tác loại gạo chất lượng thấp, chuyển sang giao các loại gạo chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, với tình hình cung - cầu thị trường lúa gạo thế giới như hiện nay và đặc biệt khi giá lúa gạo của Thái Lan tăng quá cao. Chắc chắn các đối tác tiếp tục chọn gạo của Việt Nam và dĩ nhiên giá xuống thấp là hoàn toàn không thể”. 
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường