Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chênh lệch giá cà phê châu Á - London cao kỷ lục
14 | 08 | 2011
Mức chênh lệch giá cà phê robusta giữa thị trường châu Á và London tăng lên kỷ lục do lo ngại về nguồn cung, mặc dù nhu cầu không nhiều.
Tại Việt Nam - nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, cà phê loại 2,5% đen vỡ, hiện cao hơn 220 USD/tấn so với giá hợp đồng giao tháng 9 tại London. So với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 thì mức chênh lệch hiện cũng đạt trên 150 USD/tấn.
 
Tại Indonesia, nước sản xuất robusta lớn thứ 2 thế giới, mức chênh lệch cũng tăng lên 400-500 USD/tấn (so với kỳ hạn tháng 9).
 
Reuters dẫn lời một thương gia ở Singapore cho biết: “Việc trì hoãn giao hàng ở Việt Nam khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng. Khách hàng đang rất cần mua thêm cà phê để thực hiện những hợp đồng đã ký. Chúng tôi nghe tin một số công ty tuần này đã dừng giao hàng”.
 
Ông này thêm rằng: “Tại Indonesia, do lượng cung ra thị trường rất ít, và chỉ các nhà xuất khẩu còn dồi dào hàng mới chào bán lúc này. Ngay cả các loại chất lượng kém giá cũng cao hơn tới 100-150 USD/tấn so với giá London”.
 
Các thương gia cho biết hồi đầu tháng 7 một số thương gia Việt Nam đã phải hoãn giao khoảng 40.000 tấn do không thu gom đủ. Vụ thu hoạch mới 2011/12 sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.
 
Một thương gia Hồng Kông chuyên kinh doanh cà phê Việt Nam nhận định rằng: “Thị trường đang điên loạn. Chênh lệch giá cà phê châu Á quá cao so với giá thế giới. Tôi không biết có hợp đồng nào được giao dịch ở mức giá hiện nay không, nhưng theo tôi nếu có thì chỉ với mức chênh lệch khoảng 180 USD/tấn (cà phê Việt Nam)”.

Và ông này thêm rằng: “Nếu Indonesia chào giá cà phê cao hơn tới 500 USD/tấn so với giá London thì điều đó có nghĩa là Indonesia không còn cà phê để bán”.

Với mức chênh lệch tới 400-500 USD/tấn, cà phê loại 4 của Indonesia (80 hạt lỗi), có rất ít hợp đồng được thực hiện trong tuần qua. Còn loại 3 chất lượng cao (hạt to) chênh lệch giá lên tới 550 USD tấn, với khối lượng giao dịch rất ít.
 
Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Indonesia cho biết xuất khẩu cà phê nước này có thể giảm khoảng một phần ba trong năm 2011, xuống chỉ 300.000 tấn, do nguồn cung khan hiếm và dự trữ cạn kiệt vào cuối năm. Các nhà xuất khẩu ở đảo chính Sumatra đã phải sử dụng hàng dự trữ để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, bởi thời tiết đầu vụ năm nay rất tệ.
 
Dự báo trong tuần tới, mức chênh lệch giá giữa châu Á và châu Âu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhưng một số người bán có thể sẽ giảm giá chút ít để hấp dẫn người mua.
 
Theo TBKTSG


Báo cáo phân tích thị trường