Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cường phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
11 | 07 | 2007
Tối ngày 8/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 05/BNN-CĐ đến Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ yêu cầu thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường việc phòng trừ có hiệu quả rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật và Cục Trồng trọt hiện nay lúa Đông Xuân đã xuống giống được 1,4 triệu ha, lúa hiện nay chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Trong thời gian vừa qua việc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã được các địa phương thực hiện tích cực, quyết liệt ngay từ đầu vụ nhất là việc chỉ đạo lịch xuống giống tập trung, "né rầy" vào 2 đợt cuối tháng 11 và cuối tháng 12/2006 đạt kết quả tốt nên mức độ nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thấp. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn vì mật số rầy nâu có thể gia tăng, hơn nữa mầm bệnh còn tồn tại trên gốc rạ, lúa chết của vụ Thu Đông, Mùa và trên lúa Đông Xuân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp sau đây:

1/ Đối với lúa mùa và lúa Đông Xuân trà sớm đang trổ chín.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi tình hình rầy nâu nếu có rầy thị tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật đồng loạt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để diệt nguồn rầy di trú mang mầm bệnh. Kiểm tra kỹ diễn biến của bệnh đạo ôn nhất là các địa phương là ổ dịch để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời bằng thuốc đặc hiệu để ngăn ngừa bệnh đạo ôn cổ bông. Sau khi thu hoạch tổ chức triệt để cày lật gốc rạ, phơi đất, diệt lúa chết để tiêu diệt nguồn bệnh.

2/ Đối với lúa Đông Xuân sạ trong tháng 11/2006.

Tích cực nhổ bỏ triệt để, giúi sâu xuống đất những cây lúa bị bệnh. Cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ ấp, xã, phường và nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lúa rầy nâu nở rộ vào đầu tháng 1/2007, nếu mật độ rầy thấp thị hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu theo "4 đúng", nếu mật độ rầy nâu có từ 3 con tép trở lên và xuất hiện trên diện rộng thì chính quyền sử dụng nguồn thuốc của Chính phủ hỗ trợ để phun thuốc đồng loạt. Khuyến cáo nông dân bón phân cân đối và bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa, không bón thừa đạm vào giai đoạn cuối. Hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm bệnh đao ôn lá, cổ bông để phòng trừ kịp thời. 3/ Đối với lúa Đông Xuân sạ cuối tháng 12/2006 đến đầu tháng 1/2007.

Với trà lúa dưới 20 ngày sau sạ cần phải thăm đồng hàng ngày để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu, triệu chứng cây bệnh để phun thuốc trừ rầy và nhổ bỏ cây bệnh, dâng nước ngập thân cây lúa để giảm thiểu rầy nâu chích hút thân cây và gây bệnh.

4/ Công tác chuẩn bị cho sản xuất lúa Hè Thu 2007.

- Các địa phương cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng không chủ động nước và trồng lúa không hiệu quả. Vùng có điều kiện trồng lúa Hè Thu phải tiến hành cày vùi gốc rạ, lúa chết; tiến hành phơi ải khoảng 1 tháng kể từ khi thu hoạch lúa đông xuân, tiếp tục áp dụng đồng bộ các biện pháp đã được hướng dẫn trong Sổ tay phòng chống rầy nâu, bệnh bàng lùn và lùn xoắn lá. Cần xuống giống tập trung trên cùng một khu vực dựa theo dự báo chính xác lứa rầy di trú để "né rầy", thay đổi dần cơ cấu giống lúa cho từng khu vực, tăng dần tỷ lệ diện tích trồng giống kháng rầy, chống chịu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lượng giống không sạ quá 120 kg giống/ha.

- Thời vụ gieo sạ chính từ 01/04 đến 30/05/2007. Nơi vì điều kiện sinh thái phải sạ vụ lúa Hè Thu sớm (Xuân Hè), thì phải đảm bảo cách vụ Đông Xuân 2006-2007 ít nhất 3 tuần.

- Cơ cấu giống lúa khuyến cáo cho sản xuất vụ Hè Thu 2007 như sau:

+ Nhóm giống ngắn ngày chủ lực gồm: OM 576, IR 50404, VNĐ 95-20, AS 996, OMCS 2000, OM 4495, OM 4498, OM 2395, OM 3536, IR 64.

+ Nhóm giống lúa bổ sung: OM 3242, OM 2822, Giống lúa VNĐ 99-3.

+ Nhóm giống lúa ngắn ngày triển vọng: OM 5930, OM 5239, Om 4900, MTL 384 và MTL 392.

+ Nhóm giống lúa trung ngày: IR 29723, OM 1352-5, OM 1351, ngoài ra có thể sử dụng giống trung ngày phổ biến là IR 42.

+ Giống Jasmine 85 có thể gieo trồng với cơ cấu nhất định để phục vụ cho xuất khẩu gạo (tối đa không quá 15% diện tích ở những vùng sản xuất tập trung).

Cần lưu ý nhóm giống nhiễm rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá nặng đó là: OM 1490, OM 2717, OM 2718, OM 2514, Jasmine 85, VD 20, ST3. Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tính kháng trên đồng ruộng các giống lúa đang trồng trong vụ Đông Xuân để cập nhật kịp thời việc khuyến cáo giống lúa cho vụ Hè Thu 2007 cũng như chuẩn bị nguồn giống cung cấp cho vụ Hè Thu.

5/ Công tác tổ chức thực hiện:

- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành tại địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giao cho chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, xã huy động mọi lực lượng của địa phương tham gia thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và chịu trách nhiệm khi để dịch lây lan trên diện rộng.

- Tiếp tục củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt cấp xã để theo dõi, giám sát chặt chẽ đồng ruộng và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho nông dân bằng mọi phương tiện để giúp nông dân nhận biết tác hại và biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo Sổ tay hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất lúa Hè thu 2007 theo hướng dẫn của công điện này./.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường