Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ: Xuất khẩu điều nhân sang Mỹ giảm 29,4% trong 4 năm qua
17 | 08 | 2011
Sự nổi lên của Việt Nam, trở thành nhà xuất khẩu điều nhân hàng đầu, sự thiếu hụt nguồn cung điều nguyên liệu nội địa và tiêu dùng nội địa tăng là những lý do chính dẫn đến sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu điều từ Ấn Độ sang Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Ấn Độ giảm từ mức cao 42.694 tấn trong niên vụ 2007 – 2008 xuống mức 30.100 tấn trong niên vụ 2010 – 2011, tương đương mức suy giảm 29,4%. Trong niên vụ 2009 – 2010, Mỹ nhập khẩu 117 ngàn tấn; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ là 30 ngàn tấn. Niên vụ 2010 – 2011, Mỹ nhập khẩu 126 ngàn tấn; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ là 30,1 ngàn tấn.

Theo Pankaj Sampath, thuộc Samsons Trading Co, xuất khẩu điều nhân sang Mỹ của Ấn Độ đình trệ trong 2 năm liên tiếp vừa qua sau khi giảm mạnh trong vòng 2 năm trước đó. Trong cùng thời kỳ, Việt Nam đã thay thế Ấn Độ, trở thành nhà cung cấp điều nhân lớn nhất cho thị trường Mỹ, chủ yếu nhờ giá chào bán thấp hơn. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ và các nước Tây Á trong những năm vừa qua.

Về giá trị xuất khẩu, các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng phải trải qua sự suy giảm thực sự về giá trị xuất khẩu, chủ yếu do sự tăng giá của đồng Rupee so với đồng USD trong suốt những năm qua. Kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Ấn Độ năm 2007 – 2008 đạt 8,38 tỷ Rs, tăng lên 9,75 tỷ Rs trong năm 2008 – 2009, rồi giảm xuống mức 8,06 tỷ Rs trong năm 2009 – 2010.

Khuynh hướng suy giảm xuất khẩu điều nhân sang thị trường Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong năm 2011 – 2012. Theo dữ liệu xuất khẩu 4 tháng đầu niên khoá 2011 – 2012 đã công bố, kim ngạch nhập khẩu điều nhân của Mỹ đạt khoảng 7 ngàn tấn, tương đương 2,75 tỷ Rs. Mỹ từng là nước tiêu thụ điều nhân hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong vài năm qua, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ về lượng tiêu thụ điều nhân. Thông thường, tất cả các nhà xuất khẩu, muốn phát triển kinh doanh trên thị trường quốc tế, sẽ nhìn vào thị trường Mỹ bởi đây là thị trường rất giàu tiềm năng và cơ hội. Việt Nam đã khởi đầu hoạt động xuất khẩu điều thô bằng cách thâm nhập vào thị trường này từ năm 2003. Giá chào bán điều nhân từ Việt Nam thấp hơn so với Ấn Độ và dần dần đã thâu tóm thị phần tại thị trường Mỹ, vượt qua Ấn Độ.

Hàng năm, sản lượng điều nhân do Ấn Độ sản xuất đạt khoảng 250 ngàn tấn; trong đó, khoảng 110 ngàn tấn được xuất khẩu và lượng còn lại được tiêu thụ nội địa.

Giải thích cho sự suy giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông Giridhar Prabhu, một nhà xuất khẩu từ Mangalore, cho biết Ấn Độ đang đa dạng hoá thị trường xuất khẩu trong những năm qua, lên đến 65 thị trường. Tây Á và Nhật Bản đang nổi lên là những thị trường nhập khẩu quan trọng đối với các nhà xuất khẩu điều nhân Ấn Độ. Trong khi đó, theo ông, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều nhân sang thị trường Mỹ.

Đồng thời, vấn đề điều nguyên liệu đang là mối lo ngại lớn của các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Công suất chế biến điều hàng năm của nước này đạt khoảng 1,8 triệu tấn điều thô. Hiện tại, nước này chỉ sản xuất được khoảng 500 ngàn tấn điều thô, và phải nhập khẩu khoảng 700 ngàn tấn.

Tuy nhiên, trong năm tài khoá hiện tại. kim ngạch nhập khẩu điều thô của Ấn Độ có thể giảm khoảng 100 ngàn tấn do Việt Nam và Brazil cùng cạnh tranh để tăng cường thu mua điều nguyên liệu. Việt Nam có thể nhập khẩu khoảng 325 ngàn tấn; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu điều thô của Brazil có thể đạt 40 ngàn tấn. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành chế biến điều Ấn Độ.

Kim Dung AGROINFO

Theo Business Standard


Báo cáo phân tích thị trường