Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra thời treo ao
19 | 08 | 2011
Thị trường tiêu thụ cá tra nội địa một lần nữa rơi vào cuộc khủng hoảng mới, giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm. Thương lái mặc cả, lấy cớ ép giá mua nguyên liệu trong dân. Điều này, đã và đang đẩy người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL rơi tiếp vào cảnh…”treo ao”.

Thương lái ...“bớt lai”

“Nếu như vào thời điểm giữa tháng 5, thương lái trân trọng chúng tôi bao nhiêu thì đến thời điểm này lại coi rẻ cá bấy nhiêu. Họ (thương lái) nói giá nào bán giá nấy, miễn mặc cả”, ông Dương Thanh Tùng, một hộ dân nuôi cá tra ở huyện Phú Tân, An Giang chua chát nói.

Ông Tùng cho biết, hơn một tuần trước thương lái đồng ý mua ao cá nhà ông với giá 24.000 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 23.000, 22.000 đồng/kg lần lượt đối với cá thịt vàng, thịt đỏ. Thế nhưng, đến ngày hẹn họ không thèm đến bắt cá mà điện thoại hồi lại (không mua) với với lý do “giá cá đang giảm nếu thu vào sẽ lỗ”. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện họ lại nói thòng thêm một câu “giảm 2 lai họ sẽ vào bắt”, tức giảm 2.000 đồng/kg.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong thời buổi giá cá nguyên liệu liên tục giảm, người nuôi cá nằm “chiếu” dưới. Ông Trần Văn Bảy, huyện Thoại Sơn, An Giang đành bấm bụng giảm một lai rưỡi (1.500 đồng/kg) bán với giá 22.000 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 20.500 đồng đối với các loại cá kém chất lượng hơn.

Ông Bảy cho biết: “Bán hay không bán thì ao cá nhà tôi cũng nắm chắc 100% lỗ rồi! Neo lại (giữ cá trong ao) mà giá cá tiếp tục xuống, có nước bán nhà mà trả nợ thôi”.

Tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, bà con nuôi cá tra đang khổ sở vì thương lái mặc cả, ép giá thu mua sau khi đã thỏa thuận xong. Ông Nguyễn Văn Mừng, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, dù rất tức trước thái độ ngang ngược của thương lái khi họ đòi “bớt lai” (giảm giá mua) mới đồng ý đến cân, nhưng cũng đánh bấm bụng bán chứ giữ càng lâu thì càng lỗ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tuần qua giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm từ 500-1.500 đồng/kg. Cụ thể, tại Thoại Sơn, Châu Đốc, Long Xuyên, Phú Tân, cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có trọng lượng từ 800 gam đến 1 kg có giá 21.000-23.500 đồng/kg, giảm từ 500-1.500 đồng/kg (tùy địa phương); cá tra thịt vàng giảm bình quân 1.000 đồng/kg xuống mức giá 20.000-21.000 đồng/kg.

Tương tự, tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, tuần qua giá cá tra tiếp tục giảm thêm từ 500-1.000 đồng/kg.

Ao nuôi lại “treo”

Trước áp lực giá cá nguyên liệu liên tục giảm ở những tháng qua, trong khi giá nguyên liệu thức ăn, nhân công, lãi suất vay ngân hàng và các chi phí đầu vào khác vẫn ở mức cao khiến nhiều hộ nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL không còn mặn mà với nghề.

Ông Mừng cho biết, đến nay, sau hơn 1 tháng thu hoạch, ao nuôi cá tra rộng hơn 1 héc ta của ông đành bỏ không, chẳng dám thả nuôi trở lại. “Đâu còn vốn liếng gì đâu nữa mà thả nuôi, mà nếu có đi chăng nữa tôi cũng chẳng dám thả nuôi lại đâu. Giá cả cứ như thế này mãi, người nuôi cá sẽ chạy hết, ngành chế biến xuất khẩu cá da trơn sẽ lại khủng hoảng thiếu cho mà xem”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 8 toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi được trên 1.200 héc ta, chiếm chỉ 60% kế hoạch thả nuôi trong năm 2011. Trong đó, có trên 100 héc ta nuôi cá tra của bà con sau khi thu hoạch xong vẫn không thả nuôi trở lại.

Lý giải việc “treo ao”, đa số bà con nuôi cá tra đều có chung lý do là hết vốn, không muốn tiếp tục thả nuôi vì giá cá tra đang xuống thấp, nếu thả nuôi tiếp sẽ lỗ.

Tại Trà Vinh, mặc dù diện tích nuôi cá tra mới phát triển vài năm trở lại đây nhưng có gần 60 héc ta ao nuôi cá tra của bà con phải bỏ trống, chiếm 50% diện tích ao.

Ngành nông nghiệp Trà Vinh cho rằng, việc giá cá tra xuống thấp trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển diện tích nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh đến năm 2015 đạt con số 2.900 héc ta.

Dù chưa có thông kê đầy đủ, nhưng diện tích ao nuôi cá tra của bà con phải bỏ trống sau khi thu hoạch tại Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang đang tăng lên từng ngày.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường