Giám đốc điều hành của ISO, Peter Baron, cho rằng giá đường thô kỳ hạn tại New York sẽ tiếp tục trong khoảng 23 US cent đến 28 US cent/lb trong 8 đến 12 tháng tới, thấp hơn mức đỉnh cao 31 US cent gần đây. Các yếu tố cung – cầu sẽ tiếp tục quyết định xu hướng giá toàn cầu.
“Thế giới sẽ dư thừa đường và sẽ không cần phải xuất hàng dự trữ ra nữa. Tôi cho rằng tình hình nguồn cung sẽ không còn là vấn đề quan ngại nữa, kể cả khi lượng dư cung ít hơn mọi người nghĩ”.
Tập đoàn ABN AMRO/VM hồi tháng 6 dự báo thế giới sẽ dư cung 7,83 triệu tấn đường trong niên vụ 2011/12 (tháng 10-tháng 9), trong khi Czarnikow dự báo lượng dư thừa thậm chí lên tới 10,3 triệu tấn.
“Trung Quốc là một trường hợp hợp đáng quan tâm”, ông Baron cho biết. "Chúng tôi dự báo lần đầu tiên Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều đường hơn mức hạn ngạch 1,9 triệu tấn theo quy định của WTO trong năm nay. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn so với năm 2010/11”.
Dự báo riêng Trung Quốc sẽ nhập khẩu khẩu khoảng 3 triệu tấn đường trong niên vụ 2011/12, bởi nền kinh tế lớn thứ 2 này cần phải làm đầy kho dự trữ chiến lược của mình.
Bất kỳ lượng dư cung nào từ Thái Lan và Brazil cũng sẽ được hấp thụ hết không chỉ bởi Trung Quốc mà cả Indonesia – nước có thể nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn đường trong năm 2011/12, bởi sản lượng trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu đang tăng nhanh.
Giá đường thô kỳ hạn giao gần tại New York đã giảm khoảng 12% từ mức cao kỷ lục 5 tháng là 31,68 US cent/lb cuối tháng 7 vừa qua, do lo ngại kinh tế thế giới suy thoái, mặc dù triển vọng sản lượng của nước sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil sẽ giảm sút.
Hãng kinh doanh hàng hóa Energy Brazil cho biết sản lượng đường của khu vực miền trung-nam nước này năm 2011/12 sẽ chỉ đạt 30,5 triệu tấn, thấp hơn mức 31,57 triệu tấn mà hiệp hội ngành mía Unica dự báo.
Các yếu tố cơ bản điều khiến thị trường
"Đã tới lúc giá đường trở lại liên quan chặt chẽ với các yếu tố cơ bản”, ông Baron cho biết.
Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới sau Brazil, dự báo sẽ sản xuất khoảng 10 triệu tấn đường trong năm 2011/12, cao hơn mức 9,62 triệu tấn năm 2010/11.
“Chúng tôi cho rằng năm nay Thái Lan sẽ có thêm một vụ đường bội thu, nếu thời tiết bình thường”, ông Baron cho biết, và thêm rằng: “Và Ấn Độ cũng sẽ tăng sản lượng trong năm tới”. Sản lượng của Ấn Độ có thể đạt khoảng 26 triệu tấn đường trắng, tương đương 28 triệu tấn đường thô.
Ấn Độ đã quyết định cho phép xuất khẩu thêm 500.000 tấn đường, tức là tổng cộng 1 triệu tấn từ đầu năm tới nay.
Giá đường thô kỳ hạn tại New York đã giảm nhẹ về mức 27,84 US cent/lb hôm 13/8, sau khi có tin Ấn Độ cho phép xuất khẩu thêm đường.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Ấn Độ có thể xuất khẩu khoảng 3,5 triệu đến 4 triệu tấn đường, bởi thời tiết tốt cho phép có vụ mùa mía bội thu.
Philippine có thể sẽ trở thành nước xuất khẩu đường lớn nếu có các chính sách khích lệ sản xuất. Nước Đông Nam Á này đang xem xét xuất khẩu 200.000 tấn đường thô hoặc nhiều hơn thế, song lại đang khó khăn trong việc tìm khách hàng mua đường chất lượng kém.
Theo Vinanet