Bản báo cáo thường kỳ của cơ quan này về thị trường giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nửa đầu tháng 8/2011 cho thấy, giá thịt lợn, bò, gà và nhiều loại thủy sản đều giảm khá mạnh so với cùng kỳ tháng trước.
Mức giảm giá lớn trong nhóm hàng thực phẩm được Cục ghi nhận là thịt bò thăn, tại miền Bắc đã thấp hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg, miền Nam khoảng 8-10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước, tương ứng với mức giảm trên 5%. Tương tự, thịt gà ta làm sẵn tại miền Bắc có mức giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg, thấp hơn tương ứng 4-8%.
Nhưng mặt hàng thịt lợn, vốn chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng, tháng này có mức giảm giá không đáng kể. Theo dữ liệu của Cục Quản lý giá, mức giảm đối với thịt lợn hơi tại miền Bắc chỉ khoảng 1 nghìn đồng/kg, tương ứng khoảng 1,5%; tại miền Nam khoảng 3-4 nghìn đồng/kg, ứng với khoảng 4-5%.
Đáng kể là giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống… có giảm khá mạnh so với nửa đầu tháng 7/2011: giá cá chép giảm khoảng 9-12%; tôm sú giảm khoảng 17-21%. Trong khi đó, giá một số loại rau củ quả vẫn giữ ổn định so với tháng trước.
Theo Cục Quản lý giá, xu hướng giảm giá các loạt thực phẩm, đặc biệt là thịt bò, gà… có nguyên nhân do nhu cầu không cao. Mặt khác, chăn nuôi đang có chiều hướng thuận lợi do dịch bệnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi có lãi do giá tiêu thụ tăng trên thị trường nên nguồn cung tăng.
Với mức giảm khá mạnh ở một số mặt hàng thực phẩm, sức kéo chỉ số giá của nhóm có quyền số “đầu tàu” này chắc chắn sẽ được thể hiện trong tháng 8. Nhưng sự giằng co từ tăng giá các mặt hàng khác rất có thể sẽ xóa nhòa “thành tích” của thực phẩm.
Ngược với biến động giá kể trên, giá gạo sau giai đoạn ngắn giảm giá và có hiệu ứng tốt lên chỉ số giá tiêu dùng thì đến tháng này lại tăng lên ở thị trường phía Nam. Cụ thể, tại miền Nam giá lúa tăng khoảng 12-16%; giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm tăng 11-14%; giá gạo 25% tấm tăng 10-11%.
Trong khi đó, cùng sự tồn tại mức giá ổn định “không giống ai”, mặt hàng xăng dầu nhận được sự quan tâm lớn bởi giá cả không chịu… giảm. Theo báo cáo, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày đầu tháng 8/2011 đã giảm so với bình quân tháng 7/2011, trong đó giảm mạnh nhất là giá dầu thô WTI, tới 10,55%. Các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,39%-3,45% tùy loại.
Tuy nhiên, Cục Quản lý giá vẫn cho rằng, giá bán xăng dầu trong nước hiện hành vẫn thấp hơn giá cơ sở. Đây tiếp tục là lý do khiến giá xăng dầu trong nước được giữ như mức giá điều chỉnh ngày 29/3/2011.
Nhưng đi ngược diễn biến giảm giá của dầu thô, mặt hàng khí hóa lỏng LPG không có được mặt bằng giá tốt trong tháng. Do một số nước có nhu cầu sử dụng LPG lớn trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu đã bắt đầu chuẩn bị mua LPG để dự trữ cho mùa đông, giá LPG nhập khẩu trên thị trường thế giới đã tăng trở lại.
Tác động vào thị trường trong nước, giá LPG cũng tăng ở mức tương ứng. Theo thông tin tại báo cáo của Cục Quản lý giá, các công ty kinh doanh LPG đầu mối đã gửi đăng ký giá về Bộ Tài chính với mức giá bán tăng từ 8-8,5 nghìn đồng/bình 12 kg.
Diễn biến trái chiều cũng đi cùng với một số mặt hàng vật liệu xây dựng chính như xi măng và sắt thép. Sau khi các công ty sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam điều chỉnh giá bán, tăng 120.000 đồng/tấn đến 150.000 đồng/tấn từ ngày 4/7/2011, đến nay giá thông báo đến đại lý vấn không thay đổi, dù thị trường bắt đầu bước vào mùa xây dựng đình trệ của tháng 7 âm lịch.
Ngược lại, các nhà máy sản xuất kinh doanh thép tiếp tục giữ giá bán hiện hành nhưng đã có chính sách hỗ trợ tiêu thụ cho các đại lý cấp 1 như tăng chiết khấu, hỗ trợ vốn, chi phí vận chuyển... Trên thị trường, giá bán lẻ thép giảm 200 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 7/2011, tương ứng với mức giảm trên 1%.
Thoát được gạo thì đến thực phẩm, kịch bản giá trái chiều trong tháng trước, nay đột ngột đổi lại với gạo trở thành nguyên nhân đẩy chỉ số giá. Sự xáo trộn trên từng nhóm mặt hàng có sự gần gũi nhất định khiến cho triển vọng giảm tốc chỉ số giá tháng 8 có thể khó đạt mức mong đợi.
Trong khi thị trường chứng khoán ngóng chỉ tiêu lạm phát để chờ tín hiệu ổn định, các ngân hàng hướng về CPI chờ “bốc thuốc” hạ nhiệt lãi suất…, có lẽ hy vọng chỉ số giá giảm mạnh trong tháng không dễ thành hiện thực, nếu không muốn nói nếu có thay đổi lớn, phải đợi sang tháng tới.
Theo Vneconomy