Tuần qua cũng đánh dấu lần thứ 2 kể từ tháng 4 giá gạo Việt Nam vượt gạo Thái Lan, khi gạo 5% tấm giá chào bán lên tới 545-560 đô la/tấn, FOB, cao hơn khoảng 60-70 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7. Gạo cùng loại của Thái lan hiện chào giá 555 USD/tấn. Việc giá gạo Việt Nam tăng lên ngang ngửa với gạo Thái khiến một số khách hàng lại quay về với gạo Thái.
Thời gian qua, giá gạo Thái tăng quá nhanh khiến nhiều khách hàng phải rời bỏ nguồn cung này để tìm kiếm gạo từ các nước Đông Nam Á khác và Trung Quốc.
Kiattisak Kallayasirivat, thương gia của hãng Novel Agritrade cũng cho biết: “Khách hàng Trung Quốc và Singapore hiện đang hỏi mua gạo của chúng tôi và một số nhà xuất khẩu Thái Lan khác, với tổng khối lượng 200.000 tấn”.
Giá gạo Thái Lan đã tăng mạnh suốt 2 tháng qua, do chính phủ mới cam kết sẽ mua lúa từ nông dân với giá 15.000 baht (502 USD/tấn), gấp đôi mức giá trên thị trường ở thời điểm bầu cử - ngày 3/7.
Việc ảnh hưởng bởi lũ lụt góp phần đẩy giá gạo Thái tăng thêm 3,4% trong tuần vừa qua.
Giá gạo Thái tăng kéo giá gạo Việt Nam - vốn đã có động lực tăng sau khi nhận được đơn hàng lớn từ Indonesia – tăng theo.
Phó Thủ tướng Thái Lan, Kittirat Na Ranong, hôm nay 17/8 xác nhận rằng chính phủ mới sẽ thực hiện chương trình can thiệp như đã hứa từ tháng 11, khi bắt đầu thu hoạch vụ lúa chính.
Các nhà xuất khẩu tính toán rằng chính sách này có thể đẩy giá gạo Thái lên tới 870 đô la/tấn từ mức khoảng 600 USD hiện nay, và khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, trừ khi các nước sản xuất khác mất mùa.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện cao nhất kể từ tháng 1/2010. Giá đã tăng 15% từ mức khoảng 520 USD/tấn hồi đầu tháng 6, và so với chỉ 535 USD trước cuộc bầu cử hôm 3/7 và 550-560 sau khi đảng Puea Thái thắng cử.
Khi đó gạo Việt Nam sẽ tiếp tục canh tốt với gạo Thái, dù giá gạo Việt Nam cũng đang tăng. Và kể cả Pakistan và Ấn Độ cũng sẽ có cơ hội xuất gạo dự trữ - đang rất dồi dào – ra thị trường thế giới.
Bộ trưởng Bộ Thực phẩm Ấn Độ, K.V. Thomas, hôm 17/8 cũng cho biết New Delhi có thể xem xét gia tăng xuất khẩu gạo phi- basmati để giảm bớt lượng dự trữ. Trong tháng 7 Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn gạo phi – basmati.
Để giành được phiếu bầu của hàng triệu cử tri nghèo, chính phủ mới của Thái Lan đã cam kết sẽ tăng mạnh mức lương tối thiếu và giá thu mua gạo. Từ khi bầu cử, các bộ trưởng luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thu nhập cho người dân, và làm yên lòng dân chúng rằng sẽ nỗ lực giảm áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại giá gạo - loại lương thực chính của các nước châu Á – tăng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát.
Phó Thủ tướng Thái Lan Kittirat cho biết ông không ủng hộ việc dự trữ quá nhiều lúa - điều đã từng làm trong quá khứ và làm giảm giá gạo Thái – và muốn xuất bớt gạo đi qua các hợp đồng liên chính phủ.
Tổ chức Lưu kho Quốc gia Thái Lan (PWO) cho biết chính phủ hiện đã giữ 2,1 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, Indonesia, một khách hàng lớn, đã phát tín hiệu sẽ không nhập thêm gạo trong tương lai gần, sau khi mua tới 500.000 tấn gạo Việt Nam.
Chủ tịch Cơ quan Thu mua Lương thực Indonesia (Bulog), Sutarto Alimoeso, cho biết: “Với tình hình giá cả hiện nay ở Thái Lan thì không phải là thời điểm thích hợp để chúng tôi nhập khẩu”.
Nhiều người đang đặt câu hỏi liệu chính sách mới của Thái Lan có ảnh hưởng tới lạm phát của quốc gia này và ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo khu vực hay không.
Nhu cầu nhập khẩu lúc này không cao. Các nhà nhập khẩu truyền thống đã mua khá nhiều hàng dự trữ nên giờ chỉ đứng ngoài thị trường quan sát. Họ sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào tháng 11 tới, khi chính phủ Thái Lan bắt đầu can thiệp vào thị trường lúa gạo.
Với diễn biến thị trường gạo Thái Lan như vậy, vẫn còn nhiều cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là với khả năng sản lượng năm nay sẽ bội thu.
Về thông tin liên quan, ngày 16/8, Tập đoàn Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc (Sinograin - một công ty nhà nước Trung Quốc) đã ký với công ty tư nhân TTY của Campuchia hợp đồng mua 200.000 tấn gạo của Campuchia với giá 20 triệu USD.
Tổng giám đốc TTY, ông Na Marady cho biết hợp đồng trên sẽ giúp Campuchia đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015.
Theo ông, Trung Quốc cũng đã đồng ý miễn thuế cho 300 loại nông phẩm của Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc, bắt đầu thực hiện từ tháng Chín.
Tổng giám đốc chi nhánh của Sinograin ở Quảng Châu, người trực tiếp ký hợp đồng với phía Campuchia, cho biết Sinograin sẽ mua tất cả các loại gạo từ Campuchia và xuất khẩu qua cảng Sihanoukville.
Giá thực phẩm thế giới tháng 7 tăng 33% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái, và hiện gần sát mức cao kỷ lục của năm 2008, chủ yếu do giá ngô và đường tăng mạnh, gây áp lực lên những quốc gia nghèo, theo nhận định của World Bank (WB).
Giá thực phẩm và năng lượng cao đã gây áp lực lạm phát lên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Mặc dù nguồn cung thực phẩm nhìn chung đã được cải thiện kể từ tháng 4 – chủ yếu nhờ được mùa lúa mì ở Mỹ và châu Â, và năng suất bắp tăng ở Áchentina và Brazil – song dự trữ vẫn ở mức thấp “báo động”.
Sản lượng ngũ cốc toàn cầu vụ 2011/12 dự kiến tăng 3% so với năm 2010/11, song tỷ lệ dự trữ-sử dụng bắp hiện chỉ khoảng 13% - thấp nhất kể từ đầu những năm 1970. Tỷ lệ này đối với lúa mì và lúa gạo cũng thấp hơn nhiều so với giai đoạn cuối những năm 1990-đầu những năm 2000.
So với một năm trước đây, giá ngô tháng 7 cao hơn tới 84%, trong khi giá đường cao hơn 62%.
Giá ngũ cốc tuần qua
Loại ngũ cốc
|
Giá 22/8
|
Giá 15/8
|
Lúa mì CBOT
|
762,00
|
702,50
|
Ngô CBOT
|
726,75
|
701,75
|
Đậu tương CBOT
|
1375,00
|
1334,75
|
Gạo thô Mỹ
|
16,83
|
16,81
|
Gạo 5% tấm Việt Nam
|
545-560
|
500-520
|
Gạo 5% tấm Thái lan
|
555
|
540
|
Gạo 100% B Thái Lan
|
582
|
560
|
Gạo 25% tấm Thái Lan
|
521
|
|
Theo Vinanet