Các nhà giao dịch cà phê toàn cầu vẫn coi Brazil là động lực chính ảnh hưởng đến giá cà phê toàn cầu do từ trước đến nay, Brazil là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường đang thay đổi.
Giá cà phê, chủ yếu được quy chiếu theo giá hợp đồng tương lai trên thị trường Chicago, bắt đầu chuỗi tăng giá đột phá nhất kể từ giữa năm 2010. Từ tháng 6/2010 tới tháng 5/2011, giá cà phê đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 1,35 USD/pound lên hơn 3 USD/pound. Từ khi đạt mức kỷ lục trong tháng 5, giá bắt đầu giảm và đến nay đã giảm khoảng 30%. Nỗi lo nguồn cung cà phê chất lượng cao căng thẳng đã đẩy mức chênh lệch giá cà phê trên thị trường giao ngay và thị trường tương lai lên mức cao, bất chấp vụ mùa bội thu tại Brazil.
Theo USDA, tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2010/11 (từ tháng 10/2010 – 9/2011) ước đạt 137,9 triệu tấn loại bao 60 kg, mức sản lượng kỷ lục trên thị trường thế giới, phần lớn nhờ vụ cà phê Brazil bội thu. Tuy nhiên, thông tin này vẫn không ngăn được giá cà phê tăng mạnh.
Nguồn cung bất cân xứng giữa các loại cà phê
Trên thế giới hiện trồng hai loại cà phê chính là Robusta và Arabica. Robusta chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê toàn cầu. Đây là loại cà phê chất lượng thấp, được giao dịch và chứng nhận trên sàn giao dịch Luân Đôn. Arabica chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê toàn cầu, điển hình có hai loại: chế biến ướt và chế biến khô. Hầu hết, nhưng không phải tất cả, cà phê Arabica chế biến ướt được giao dịch và chứng nhận trên sàn giao dịch Chicago. Brazil sản xuất cả hai loại cà phê này, với khuynh hướng chủ yếu hướng đến giao dịch trên sàn Chicago. Hiện, hầu hết các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều giao dịch cà phê xuất xứ Brazil từ sàn giao dịch Chicago. Do đó, giá cà phê tại thị trường Chicago tăng hay giảm phụ thuộc vào cán cân giao dịch xuất khẩu cà phê từ Brazil.
Tổng thặng dư cung cầu cà phê niên vụ 2010/11 đạt khoảng 4 triệu bao và trong niên vụ tới, cung – cầu cà phê tiếp tục thặng dư, mặc dù với lượng thấp hơn. Tổng dự trữ cà phê cuối kỳ của thế giới giữ ở mức thấp kỷ lục, khoảng 26 triệu bao, khiến các nhà giao dịch lo ngại về những vấn đề nguồn cung có thể xảy ra. Dữ trữ cuối kỳ đạt mức cao kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2002/03 và thặng dư cung – cầu trên thị trường cà phê đẩy giá cà phê giảm xuống mức giá trong thế chiến thứ II.
Những nhà giao dịch trên thị trường Chicago nhận định khả năng thiếu hụt nguồn cung cà phê Arabica chế biến ướt, chất lượng cao. Loại cà phê này chủ yếu được xuất khẩu từ Colombia, Mexico, Trung Mỹ, Peru và một số nơi khác, cũng là loại cà phê duy nhất chủ yếu giao dịch trên sàn Chicago. Nhu cầu với loại cà phê này đang vượt cung trên toàn cầu.
Thông thường, nhu cầu cà phê toàn cầu xuất phát từ các nhà sản xuất lớn như Nestle, Kraft, Folgers và Douwe Egberts. Hiện, đây vẫn là những nhà giao dịch lớn trên thị trường. Các nhà sản xuất này cũng vận hành các chuỗi bán lẻ và những khách hàng lẻ của các sản phẩm này thường rất nhạy cảm với giá. Những người tiêu dùng có thể nhanh chóng chuyển sang sử dụng nhãn hiệu khác khi giá thay đổi và cũng nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng từ cà phê mua mang đi từ hiệu sang dùng cà phê tại nhà. Khoảng 20% cà phê hiện được pha chế tại nhà.
Bất chấp việc giá cà phê tăng vọt gần đây,nhu cầu với loại đồ uống này vẫn tăng cao ngoài dự báo.
Khuynh hướng mới nhất và đang mạnh dần đối với tiêu thụ cà phê là việc những người tiêu dùng hướng đến loại cà phê chất lượng cao và hương vị đặc trưng. Các loại cà phê này đều có giá cao, và đều gắn với thương hiệu xuất xứ, bởi khu vực trồng, vùng núi hoặc thậm chí từ một trang trại trồng có uy tín cao. Những loại cà phê này có cầu ít co giãn theo giá. Sự nổi lên mạnh mẽ của những nhà bán lẻ cà phê như Starbucks và Peet’s, cũng như sự thành công của Dunkin’ Donuts và Tim Hortons tại Canada, càng thúc đẩy mạnh nhu cầu với cà phê chất lượng cao. Giá trung bình của một tách cà phê thường chỉ khoảng 5 cents, và mức giá này vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, ngay cả khi tăng gấp đôi, khi thị trường diễn ra sự điều chỉnh giá.
Đồng thời, nhu cầu cà phê tại các nền kinh tế đang phát triển cũng tăng đáng kể. Trong năm tới, theo dự đoán, tổng tiêu dùng cà phê của Brazil đạt 20 triệu bao, gần đạt mức tiêu dùng 24 triệu bao hàng năm tại Mỹ. Tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ khoảng 1% tại các nước phát triển, so với tốc độ hàng năm 4% tại các nước đang phát triển.
USDA dự đáon tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ tới giảm khoảng 3 triệu tấn. Sự thay đổi chu kỳ sẽ làm giảm sản lượng cà phê Arabica tại Brazil, nhưng cơ quan này cũng dự đoán nguồn cung từ các nhà sản xuất khác trên thế giới sẽ tăng. Giá cà phê tăng trong thời gian gần đây đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng cường hoạt động, và có thể nhiều nhà sản xuất sẽ tăng lượng cây cà phê trong tương lai.
Giá cao cũng thúc đẩy nông dân sử dụng nhiều hơn phân bón và thuốc trừ sâu, sẽ giúp thúc đẩy năng suất cà phê. Theo USDA, trong niên vụ tới, sản lượng cà phê của Colombia có thể tăng 1 triệu bao, lên mức 10,5 triệu bao. Tỏng sản lượng cà phê Arabica từ các nhà cung cấp khác, ngoài Brazil, sẽ đạt khoảng 43 triệu tấn, gần tương đương với mức cầu dự đoán. Những yếu tố này sẽ làm dấy lên bất cứ diễn biến tăng giá trong tương lai nếu nguồn cung cà phê chất lượng cao chỉ tiếp tục giữ ở mức đáp ứng đủ cầu, mặc dù trong dài hạn vẫn có thặng dư cung – cầu trên thị trường.
Trường phái giao dịch giá lên trên thị trường Chicago tiếp tục được hưởng lợi từ khuynh hướng tăng giá hàng hoá nói chung, mặc dù hoạt động đầu cơ trong thời điểm này khá hạn chế. Tổng giao dịch giao ngay hiện ở mức khoảng 107 ngàn đơn vị, là mức trung bình. (1 đơn vị tương đương 37.500 lb, khoảng 250 bao loại 69 kg, tương đương khoảng loại container 20 foot).
Mặc dù hoạt động giao dịch cà phê toàn cầu vẫn chưa sôi động nhưng đã xuất hiện nguồn cà phê sẵn sàng giao trên các sàn giao dịch.
Về dài hạn, từ tháng 3/2013, cà phê chế biến ướt Arabica Brazil sẽ giao dịch trên sàn Chicago. Nước này vốn có truyền thống sản xuất cà phê chế biến khô và hiện chỉ sản xuất khoảng 4 – 5 triệu bao cà phê loại chế biến ướt.
Câu hỏi cho những nhà giao dịch trên thị trường là lượng cà phê chế biến ướt từ Brazil sẽ là bao nhiêu và điều này ảnh hưởng gì đến giá cà phê tương lai trên thị trường Chicago.
Kim Dung AGROINFO
Theo Commodity online