Theo cục Trồng trọt (bộ NN-PTNT), tuy chỉ mới triển khai “Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL trong vụ hè thu 2011 và còn nhiều khó khăn nhưng ý tưởng này đã tập hợp được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước - doanh nghiệp- nhà khoa học và sự hưởng ứng của nông dân. Đầu tiên, 6.400 hộ nông dân tham gia với 7.803 ha (đạt 93,22% kế hoạch đề ra). Riêng An Giang, “Cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành cho thấy năng suất cao hơn và giá thành sản xuất thấp hơn, lợi nhuận tăng thêm vài triệu đồng trên mỗi ha đất trồng lúa.
Hiện nay có 12/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh tổ chức thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn. Ngoài ra còn có sự hợp tác của doanh nghiệp như phân bón Bình Điền, Bảo vệ thực vật An Giang, Bayer; doanh nghiệp thu mua lúa... Trong các hình thức hợp tác nêu trên, phổ biến nhất là tổ chức cung ứng giống lúa đầu vào, hợp tác với doanh nghiệp cung ứng hoặc phân bón hoặc thuốc BVTV.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tiến tới vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu 1.000.000 ha là có thể thực hiện được. Ông nhấn mạnh: Các địa phương cần khuyến khích các hình thức cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đầu tư cơ sở sấy, chế biến theo mô hình khép kín vùng nguyên liệu từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu, tạo cơ chế ổn định, lâu dài để doanh nghiệp tham gia.
Theo SGTT