Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Giá gạo tăng cao do đầu cơ găm hàng"
25 | 08 | 2011
Hàng trăm tin nhắn nhảm, đồn thổi Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo sang Indonesia và Malaysia gửi tới lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm các đơn vị này đổ xô đi thu gom.

Tóm tắt

  • Thị trường gạo đang diễn biến khó lường.
  • Giá gạo Việt Nam đang cao hơn 30 USD/tấn so với gạo Thái Lan.
  • Giá cao làm mất đi nhiều khách hàng, do họ tìm sang Thái Lan.
  • Bộ Công thương: Giá gạo cao chủ yếu do đồn nhảm và nhiều thông tin thất thiệt về chính sách của Thái Lan.

Bộ Công Thương chiều 24/8 họp báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm. Cơ quan này nhận định thị trường gạo năm nay có nhiều diễn biến khó lường do đơn vị nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines điều chỉnh chính sách theo hướng tư nhân hóa hoạt động nhập khẩu. Tính tới ngày 23/8, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,982 triệu tấn các loại với giá trị 2,361 tỷ USD, tăng 11,4% về số lượng và tăng 22,26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

 

Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho hay, giá lúa gạo của Việt Nam tương đối cao. Gạo xuất khẩu lên tới 560 USD mỗi tấn, cao hơn 25- 30 USD mỗi tấn gạo của Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu quá cao làm Indonesia chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan khiến Việt Nam hụt mất hợp đồng bán 300.000 tấn gạo cho nước này.

Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến gạo trong nước cũng tăng theo, trung bình đạt khoảng 11.500 đồng mỗi kg gạo, lúa khô dao động quanh mức 6.900 đồng đến 7.000 đồng mỗi kg đắt hơn khoảng 400 đồng so với thời điểm đầu tháng. "Từ đầu tháng đến nay giá gạo tăng đột biến, giúp cho người nông dân được cải thiện đời sống nhưng gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhất là những người công nhân có thu nhập thấp", ông Phong cho hay.

 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giá gạo cao chủ yếu do tin đồn nhảm. Tin đồn Việt Nam xuất khẩu 500.000 tấn sang Indonesia và Malaysia khiến doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua làm gạo trong nước tăng cao. Ông Biên cho hay, hàng trăm tin nhắn Việt Nam ký kết hợp đồng xuất khẩu sang hai nước trên đã được gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khiến các đơn vị này đổ xô đi thu mua trong nước làm giá gạo tăng lên. "Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm sáng tỏ ai là người tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận", ông Biên khẳng định.

 

Ngoài ra, theo ông Biên, có một số phần tử sử dụng thông tin thất thiệt liên quan đến chính sách hỗ trợ giá gạo mới của Thái Lan gây tâm lý hoang mang với các doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, phải sang tháng 11, chính sách mới mới được áp dụng và phần nào sẽ ảnh hưởng đến giá gạo trong nước.

 

Ông Biên đưa ra số liệu, trong tháng 4, xuất khẩu tăng trên 5% so với cùng kỳ, nhưng đến tháng 5, tháng 6, tỷ lệ xuất khẩu giảm lần lượt 1% và 0,4%. Riêng tháng 7 tăng trên 12%. Lượng gạo dành cho xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn. "Nếu tính cả gạo tồn kho và gạo dữ trữ 1,3 triệu tấn thì gạo đủ để cân đối nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2011 và đầu năm 2012. Lượng gạo dự trữ vẫn đủ sức tham gia bình ổn thị trường", ông Biên nói.

 

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo tăng do đầu cơ trong nước lớn. "Giá gạo đến cuối năm sẽ còn tăng nhưng không tăng đột biến như năm 2008 mà tăng theo lộ trình nhất định", ông Phong khẳng định.

 

Từ đầu tháng, nhiều loại gạo tại TP HCM và Hà Nội tăng giá liên tục, có loại chỉ 3 ngày đã đắt thêm 1.000-1.200 đồng mỗi kg. Đây được coi là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Theo VnExpress



Báo cáo phân tích thị trường