Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hợp tác xã nghề cá: chưa là điểm tựa của ngư dân
25 | 08 | 2011
Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thuỷ sản xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vừa ra mắt và đi vào hoạt động, sớm hơn một tháng rưỡi so với dự kiến.

Ngư dân hy vọng hợp tác xã (HTX) sẽ hỗ trợ họ trong việc cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, nhưng...

Ngư dân chịu nhiều thiệt thòi

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọt, chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thuỷ sản xã Bình Chánh, hiện HTX có 139 tàu thuyền, trong đó có 82 chiếc đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, dù đánh bắt xa bờ hay gần bờ, hầu hết đều phải phụ thuộc vào đầu nậu.

“Thực ra đầu nậu có công trong việc hỗ trợ ngư dân. Đó là khi ngư dân thiếu vốn làm ăn, thiếu tiền đầu tư ra khơi..., đầu nậu cho mượn tất tần tật. Có điều, khi vay mượn của đầu nậu, thường ngư dân phải chịu lãi suất cao. Hơn nữa, khi tàu thuyền từ biển trở về, ngư dân phải bán sản phẩm cho đầu nậu với giá thấp hơn giá thị trường”, ông Ngọt cho biết. Ông Nguyễn Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây không ai khác là các đầu nậu. “Cứ một đầu nậu, quản ít nhất là 50 tàu thuyền, mà ở cảng Sa Kỳ, chỉ tính người địa phương cũng có khoảng 15 đầu nậu như vậy”, ông Hùng nói.

Chưa kể các loại lương thực, thực phẩm, cứ mỗi thuyền đi đánh bắt xa bờ khoảng một tháng rưỡi mang theo 5.000 – 6.000 lít dầu và 2.000 – 3.000 cây đá lạnh. Chi phí này rất lớn, nên mỗi chuyến ra khơi, các chủ thuyền phải vay nợ từ các đầu nậu, rồi khi đánh bắt hải sản trở về, bán cho đầu nậu để trừ nợ. Một chủ tàu ở Lý Sơn cho biết, nếu đánh bắt được mười, thì chủ tàu và thuyền viên chỉ hưởng được ba phần, bảy phần còn lại là trả nợ.

Thiếu vốn, khó cạnh tranh

HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thuỷ sản Bình Chánh vừa được thành lập là mô hình điểm. Nếu hoạt động hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi sẽ nhân rộng ra các xã vùng biển toàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện giúp ngư dân làm ăn, phát triển kinh tế biển, cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ngọt nhận định, bước đầu HTX này chưa thể cạnh tranh được với các đầu nậu. Bởi hiện tại HTX chỉ có 20 xã viên, 20 tàu cá với công suất mỗi tàu trên 90CV. Sau lễ ra mắt sáng ngày 18.8, các xã viên mới góp vốn vào 20 triệu đồng/xã viên. Như vậy, kinh phí hoạt động của HTX mới chỉ được 400 triệu đồng. Chủ tàu câu mực QNg 95717 TS Nguyễn Văn Thà (50 tuổi) ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh cho biết:

Khi vào HTX, các xã viên HTX vẫn độc lập khai thác hải sản trên biển, tự tổ chức hoạt động trên tàu và quyết định việc tiêu thụ hải sản đánh bắt được. Tuy nhiên, các xã viên phải hình thành các tổ, đội sản xuất để thường xuyên giữ liên lạc trên biển để hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

“Tàu câu mực ở xã Bình Chánh phần lớn có công suất từ 300CV đến trên 400CV. Mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu này “ngốn” chi phí bằng hơn một nửa số kinh phí hoạt động của HTX hiện nay”. Còn nếu cả 20 tàu cùng đi trong một chuyến, thì chi phí lên đến trên 4,7 tỉ đồng. Biết lấy đâu tiền để giúp xã viên hoạt động?” Điều này có nghĩa là, HTX chưa đủ sức để “bao” hậu cần nghề cá cho tàu thuyền của xã viên ra khơi và cả đầu ra của sản phẩm. Một khi chưa làm được dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp cho xã viên HTX và ngư dân trong vùng, thì HTX khó làm điểm tựa để ngư dân trông vào.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết: “Vì đây là HTX mang tính tự nguyện, nên kinh phí hoạt động thì HTX tự thân huy động, còn tỉnh chỉ hỗ trợ một phần vốn ban đầu. Riêng với nơi neo đậu tàu thuyền, tỉnh sẽ cho HTX mượn các cảng nơi cửa biển để neo tàu thuyền. Trong trường hợp HTX có nhu cầu đóng tàu lớn để làm dịch vụ hậu cần nghề cá để cạnh tranh với đầu nậu, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ vốn”.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường