Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chất lượng “sữa tươi”: “Móc túi” hai lần!
05 | 09 | 2007
Sữa hoàn nguyên được quảng cáo là sữa tươi, chất béo được thay bằng dầu thực vật. Nhiều nhà sản xuất sữa đang lập lờ và gây ngộ nhận nơi người tiêu dùng.

“Sữa tươi” từ... sữa bột

“Tinh khiết từ thiên nhiên...”, “sữa bò tươi nguyên chất...”, “sữa bò tươi...”... là những dòng quảng cáo được in trang trọng trên bao bì sản phẩm sữa nước của nhiều nhà sản xuất “sữa tươi” tại Việt Nam, hiện đang tràn ngập trên thị trường. Đa số người tiêu dùng, khi chọn mua những sản phẩm “sữa tươi” của những thương hiệu nổi tiếng đều cho rằng đây là sản phẩm sữa tươi được lấy từ sữa bò tươi.

Các chuyên gia thực phẩm cũng khẳng định sản phẩm sữa tươi phải là sữa bò tươi với tỉ lệ gần 100%, với một vài chất bổ sung. “Việc sử dụng chữ “sữa tươi” đồng nghĩa sản phẩm sữa đó được làm từ sữa bò tươi nguyên chất...”, một chuyên gia khẳng định.

Trong khi đó, sản phẩm “sữa tươi” hiện nay chủ yếu được làm từ loại bột sữa gầy (skim milk powder ) nhập khẩu, vẫn thường được gọi là sữa hoàn nguyên (recombined milk products). “Không thể gọi các loại sữa nước được bán trên thị trường hiện nay là sữa tươi, vì nó chủ yếu được làm từ sữa bột. Người tiêu dùng đang bị lừa với dòng chữ trên bao bì “sữa tươi tiệt trùng” - một chuyên gia ngành thực phẩm khẳng định.

Do có nhiều khiếu nại từ người tiêu dùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đang tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất sữa lớn trên toàn quốc, với các nội dung kiểm tra chính là nguồn nguyên liệu, chất lượng độ an toàn... của các loại sữa nước.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong năm tháng đầu năm 2006, các nhà sản xuất sữa đã nhập khẩu 137,7 triệu USD bột sữa gầy. Dự kiến tổng giá trị nhập khẩu sữa gầy trong năm nay khoảng 330 triệu USD, tăng gần 20 triệu USD so với năm 2005.

Về mặt lý thuyết, sản lượng sữa bò tươi của đàn bò sữa nội địa đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu trong nước, hơn 78% còn lại là sữa bột. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định phần lớn số lượng sữa bò tươi thu mua trong nước được các đơn vị đem về làm yaourt hoặc sản phẩm khác.

Do đó trên bao bì, trong phần ghi thành phần của sản phẩm “sữa tươi”, phần lớn nhà sản xuất đều tránh ghi tỉ lệ sữa bột hay sữa tươi... - thông số quan trọng giúp người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm. “Các công ty chế biến sữa không sòng phẳng với người tiêu dùng khi ghi chung chung như thế” - ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm văn phòng Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, nhận định.

Thay AMF bằng... dầu thực vật

Không chỉ thế, theo các chuyên gia ngành sữa và thực phẩm, chất lượng các loại sản phẩm sữa nước trên thị trường hiện nay có rất nhiều câu hỏi cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất sữa - cho rằng các loại “sữa tươi” trên thị trường hiện không đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng cần thiết như thông tin được các nhà sản xuất cung cấp. Trong công thức sản xuất sữa nước, các nhà sản xuất đã đánh tráo loại thành phần chất béo từ sữa bò nguyên chất bằng các loại dầu thực vật, các khoáng chất cần thiết của thành phần này do vậy đã bị mất đi...

Trong công thức sản xuất sữa hoàn nguyên của các nước, ngoài thành phần nước chiếm 86-87%, các thành phần vật chất khô (chiếm 12-13%), còn lại chủ yếu là bột sữa gầy - bột sữa bò đã được tách chất béo, đường, phụ gia...

Nguồn chất béo sử dụng để sản xuất loại sữa này là loại AMF (anhydrous milk fat) - chất béo từ sữa bò nguyên chất. Ngoài thành phần chất béo lấy từ sữa bò nguyên chất (có giá trị dinh dưỡng cao), trong AMF còn chứa hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, potassium, vitamin A, B...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà sản xuất sữa trong nước hiện đều sử dụng dầu thực vật (chủ yếu là dầu cọ) để thay thế cho AMF. Một trong những lý do quan trọng là giá dầu cọ chỉ khoảng 8.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với AMF nhập khẩu có giá 50.000 đồng/kg. Hiện có đơn vị sản xuất sữa mua vào khoảng 1.000 tấn dầu cọ/tháng, chủ yếu dùng vào mục đích chế biến sữa nước!

Một chuyên gia ngành thực phẩm khẳng định nếu phân tích các thành phần sữa nước hiện nay, các cơ quan chức năng cũng sẽ ghi nhận trong sản phẩm đủ độ béo, nhưng trên thực tế thì hàng loạt khoáng chất quan trọng có trong AMF lại không có trong sữa do đã bị thay thế bằng dầu thực vật.

Một chuyên gia về sữa nói: “Với tỉ lệ dầu thực vật - mà chủ yếu là dầu cọ khá cao trong sữa, ai đảm bảo cho con em chúng ta không bị ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều những loại sữa nước này...”.

Theo Tuổi Trẻ



Báo cáo phân tích thị trường