Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tiêu đang trong giai đoạn gia tăng mạnh mẽ
31 | 08 | 2011
Tiêu của Việt Nam đã bán gần như cạn và sản lượng của Indonesia thì gặp năm mất mùa lớn.

Các phiên gần đây, giá tiêu thế giới gia tăng mạnh mẽ. Giá tiêu đen trên thị trường thế giới phiên đầu tuần này đã chạm mức cao lịch sử, khi Việt Nam chào tiêu đen loại 1 dung lượng 500 gr/lít mức 7.050 USD/tấn FOB, tăng gần cả 1.500 USD/tấn so với tháng trước, tức mức 5.600 USD/tấn.

Thị trường như sôi lên do mặt hàng tiêu thiếu hụt hầu như trên toàn cầu. Đến thời điểm này, chỉ có Ấn Độ là còn có thể có ít hàng giao được, nhưng nhu cầu cho tiêu thụ nội địa cũng đang rất lớn. Giá tiêu loại Asta tuần trước tại Ấn Độ bán giá 7.500-7.550 USD/tấn và nhiều người cho rằng các mức này sẽ không dừng lại ở đây.

Tồn kho giảm trầm trọng do hàng Việt Nam đã bán gần như cạn và sản lượng tiêu Indonesia gặp năm mất mùa lớn.

Theo nhận định của Hiệp hội Tiêu Việt Nam, giá tiêu chắc sẽ còn tăng mạnh. Hiện ở Việt Nam, chỉ còn chừng 15.000 tấn tiêu tồn kho, trong đó hết 10.000 tấn nằm trong tay các hãng kinh doanh lớn. Nhiều báo cáo đưa ra thông tin tồn kho giảm mạnh, nên các thương nhân đổ dồn vào mua tiêu nhằm tránh hết hàng, đặc biệt là các hãng kinh doanh của Mỹ và Tây Á.

Theo Jojan Malayil thuộc Công ty Bafna Exports, giá sẽ vẫn trong quỹ đạo tăng cho đến tháng 12 năm nay - khi vụ mùa tiêu của Ấn Độ mới bắt đầu. Theo nhận định của Mallayil, Việt Nam có thể chỉ còn 12.000 tấn tồn kho chứ không tới 15.000-17.000 tấn như dự đoán. Trong khi đó, tại Indonesia, sản lượng ít, không đủ dùng nên xuất khẩu sẽ tắt. Thường thường, từ tháng 6 đến 12 hàng năm, là mùa xuất khẩu tiêu của Indonesia và Brazil. Tiếp sau thời điểm đó, sẽ đến Ấn Độ và Việt Nam.

Giá tiêu tại Brazil cũng đã tăng lên 7.200 USD/tấn, chỉ cách đây mấy hôm giá này chỉ 6.500 USD/tấn. Sản lượng tiêu của Brazil năm nay cũng ước chỉ chừng 35.000 tấn, gặp giá đang tốt, nên nước này cũng chưa tích cực bán ra. Thêm nữa, Brazil đang trong mùa giá rét, nên có khi giá nội địa còn cao hơn giá xuất khẩu.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường