Bên cạnh đó, một số nước phát triển và đang phát triển đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để ngăn chặn dán sai nhãn sản phẩm, gian lận thương mại nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Việt Nam
Dù dự báo nguồn cung cá tra giảm nhưng XK cá tra Việt Nam trong quý I/2011 sang các thị trường chủ yếu và thị trường mới vẫn tăng. Ví dụ, trong nửa đầu năm tài khóa của Ấn Độ, nước này đã NK 534 tấn cá tra phi lê từ Việt Nam.
Ngành cá tra Việt Nam hiện tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh XK thông qua thành lập Quỹ Phát triển XK cá tra do Bộ NN và PTNT khởi xướng. Theo đó, các DN XK cá tra Việt Nam sẽ đóng góp vào quỹ từ 0,1 - 0,2 USD/kg cá tra XK. Quỹ này sẽ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ và EU, cũng như thực hiện các chiến lược bảo vệ nhà XK Việt Nam khi gặp vấn đề về chất lượng và giá cả.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bắt đầu từ tháng 7/2011, giá sàn XK cá tra loại đã cắt tỉa là 3,3 USD/kg và chưa cắt tỉa là 2,3 USD/kg. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm lợi ích cho người nuôi và tránh trường hợp DN hạ giá để cạnh tranh. Quy định này không bao gồm giá cá XK sang thị trường Mỹ vì thị trường này đang áp thuế chống bán phá giá cá tra.
Liên minh Châu Âu
Người tiêu dùng Châu Âu vốn ưa chuộng các loại phi lê cá thịt trắng, chủ yếu là các loài cá nước lạnh như cá minh thái Alaska, cá tuyết và phi lê cá hake. Kể từ khi cá pangasius được đưa vào tiêu thụ tại thị trường nhiều nước EU như một loài “cá thịt trắng nhiệt đới”, thị phần của loài cá này tiếp tục mở rộng. Trong quý I/2011, EU giữ ổn định mức NK như năm 2010.
Nhiều thị trường tại EU tăng NK cá pangasius, cụ thể Tây Ban Nha tăng 16% so với năm 2010, Hà Lan 9%, Ba Lan 23%. Riêng NK cá của Đức giảm nhẹ. Sở dĩ người tiêu dùng ưa chuộng cá pangasius là nhờ nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá rẻ hơn giá cá nước lạnh nội địa.
Mỹ
Trong quý I/2011, NK cá da trơn của Mỹ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá pangasius chiếm 94%, còn lại là cá Ictalurus spp (6%). Đặc biệt, cá pangasius của Việt Nam chiếm 90% tổng lượng NK loài cá này vào Mỹ, tăng 40% so với thời điểm NK cá da trơn của Mỹ giảm 60% cách đây một năm.
Giá chào hàng cá pangasius tại thị trường Cămpuchia, Malaixia và Thái Lan tăng cao do khan hiếm nguồn cung nội địa. Trong quý I/2011, Inđônêxia không XK nhiều.
Cũng trong thời điểm này, Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS), thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về dự luật thanh tra cá da trơn nội địa và NK tại Mỹ. Theo dự luật này, các nước muốn XK cá da trơn và các sản phẩm từ cá da trơn sang Mỹ phải được FSIS chứng nhận có hệ thống thanh tra tương ứng với chương trình thanh tra của FSIS và DN XK phải được hệ thống thanh tra nước ngoài chứng nhận dựa trên các tiêu chuẩn của cơ quan này. Khi cập cảng Mỹ, cá da trơn sẽ được thanh tra lại trước khi đưa vào Mỹ. Một khi được áp dụng, luật thanh tra mới sẽ kìm hãm con đường XK cá sang thị trường Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, bất chấp những biến động thất thường trên thị trường cá pangasius thế giới, loài cá này vẫn được ưa chuộng. Vì vậy, việc áp dụng các quy định về NK và tiêu chuẩn môi trường có thể sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng NK trong tương lai.
Theo Vasep