Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhắm đến thị phần đồ gỗ cao cấp
05 | 09 | 2011
Trái với thị phần đồ gỗ trung bình, cấp thấp đang mất dần lợi thế của nhân công giá rẻ, dựa trên số lượng là chính, thị phần xuất khẩu đồ gỗ từ trung đến cao cấp từ lâu đã được xem là đích nhắm của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.

Tuy nhiên số doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần này còn chưa nhiều do quen làm hàng đồ gỗ cấp thấp và ít chịu thay đổi trong quản lý lẫn thiết kế sản phẩm.

Kinh tế khó khăn nhưng hàng cao cấp không khó

Xuất khẩu đồ gỗ đang bước vào giai đoạn cao điểm trong năm vốn rơi vào các tháng cuối năm, nhưng theo ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2, Bình Dương khó khăn vẫn còn, với lượng đơn hàng có biểu hiện giảm dần.

“Vì từ năm 2010 đến đầu 2011, do tình hình phục hồi kinh tế, cộng với bù vào tồn kho trong khủng hoảng kinh tế giảm sút mạnh, nên các nhà phân phối ở thị trường nhập khẩu có nhu cầu tăng bán ra thị trường, bù đắp tồn kho nên lượng đơn hàng tăng nhanh. Còn giờ bù đắp và tồn kho đã tương đối đầy đủ cộng với tình hình thị trường không hồi phục mạnh như mình mong muốn nên lượng đơn hàng có xu hướng giảm”, ông nói.

Điều này theo ông Hiệp thể hiện qua việc công nhân của công ty không còn phải tăng ca nhiều hơn trước. Nhưng theo ông trong bối cảnh đó, dòng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu trung và cao cấp vẫn có thể phát triển.

“Thị trường khi khó khăn thì tất cả sản phẩm đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên hàng trung và cao cấp thông thường không có quá nhiều nhà máy làm nên mặc dù thị trường nhìn chung có giảm thì phân khúc này cũng không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Hiệp cho hay.

Năm ngoái, công ty ông Hiệp đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm dây chuyền sơn, hoàn thiện sản phẩm đồng thời sắp xếp lại nhà máy cũ, cho công nhân và quản lý các phân xưởng đi học các khoá đào tạo nâng cao tay nghề, tập trung cho sản xuất hàng nội thất dòng trung – cao cấp. Công suất hiện nay được nâng lên gần gấp 3 so với trước, sản xuất được lượng hàng trị giá gần 1,5 triệu đô la Mỹ/tháng.

“Hoàn thành việc đầu tư mở rộng trong năm ngoái cũng là cái may khi vừa đón đầu nhu cầu đồ gỗ tại nhiều thị trường lớn phục hồi sau khủng hoảng, vừa “né” được tình hình lạm phát, lãi suất cao trong nước từ đầu năm”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) thì trong bối cảnh chi phí sản xuất, các khoản phải trả người lao động… “ăn” vào lợi nhuận doanh nghiệp đang cao như hiện nay thì bản thân phân khúc xuất khẩu đồ gỗ cao cấp cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nặng nề như các doanh nghiệp sản xuất hàng trung bình, hàng giá rẻ do lượng doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thuộc phân khúc cao cấp chưa nhiều.

Có nhiều doanh nghiệp bình thường chỉ sản xuất hàng low-end (hàng cấp thấp), lâu lâu có khách hàng đặt hàng đòi hỏi độ khó cao hơn thì làm. Chính vì vậy mức độ cạnh tranh trên phân khúc này chưa cao, việc đàm phán giá khi các chi phí đầu vào thay đổi do vậy sẽ dễ dàng hơn.

“Điều đáng nói là số doanh nghiệp sản xuất hàng trung – cao cấp chưa nhiều’’, ông Quyền nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng giám đốc AA Corp., chuyên cung ứng giải pháp về nội thất cho các công trình cao cấp trong và ngoài nước thì cho rằng so với tiêu dùng trên thế giới về hàng trung – cao cấp thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chẳng đáng bao nhiêu nên dù nhu cầu mặt hàng này nói chung có suy giảm thì vẫn còn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nếu có định hướng đi theo dòng sản phẩm này.

“Trong bối cảnh chung hiện nay thì sản xuất dòng trung và cao cấp rõ ràng đang có lợi thế hơn các dòng hàng thấp cấp nhờ tỷ lệ lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, sản xuất hàng cao cấp không có nghĩa là ngồi chờ khách hàng tìm đến mà phải chủ động tìm kiếm khách hàng”, ông Khanh nhận xét.

Nâng tầm đồ gỗ Việt

Ông Khanh, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết hội mong muốn các doanh nghiệp hội viên, đa phần là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá, tiếp thị hình ảnh… đế đưa mặt bằng đồ gỗ Việt Nam lên phân khúc cao hơn.

“Vì với dòng hàng thấp cấp hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, vốn liếng đủ mạnh thì mới có thể hạ giá thành sản phẩm trong bối cảnh các chi phí đầu vào luôn chực chờ tăng”, ông nói.

Bên cạnh đó, theo ông Khanh, việc nâng cấp không nhất thiết đòi hỏi số vốn đầu tư thật lớn mà yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể rõ ràng từ quản lý đến tiếp thị sản phẩm.

Còn theo ông Điền Quang Hiệp, hàng trung – cao cấp là những mặt hàng khó làm nên đòi hỏi khả năng quản lý phải cao để có thể duy trì và ổn định sản xuất. “Thành công với dòng hàng này nằm ở chính khả năng quản lý doanh nghiệp, quyết định việc duy trì chất lượng ổn định và thời gian giao hàng đúng hẹn”, ông nói.

Riêng đối với mặt hàng trung cấp, điểm khác biệt với hàng cấp thấp mà nhiều doanh nghiệp đang sản xuất nằm ở khâu finishing (hoàn thiện sản phẩm) và một số “kỹ xảo” trong quá trình thực hiện. Tất cả đều được quyết định bởi khâu quản lý.

Ví dụ bộ bàn gồm 4 ghế hàng low-end có giá bán 130 đô la Mỹ, nếu doanh nghiệp chịu khó gia công thêm phần finishing thật đẹp là có thể bán 200 đô la Mỹ trở lên. Theo ông Hiệp đánh giá như thị trường Mỹ vẫn còn dư địa khá lớn cho mặt hàng trung – cao cấp do chưa chịu sức cạnh tranh quá lớn từ số lượng người bán, người mua chấp nhận giá chào khá dễ dàng.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường