Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hàng sang Nga: Khó mà dễ
05 | 09 | 2011
Lâu nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Bà Rịa - Vũng Tàu bỏ qua thị trường Liên bang Nga, nhưng, hiện tại điều đó đang được thay đổi.

Ông Lê Văn Kháng, TGĐ Cty CP thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX) cho biết, Cty này đã thâm nhập vào thị trường Liên bang Nga từ năm 2002 với mặt hàng chủ lực là surimi.

Ông Kháng thừa nhận, đây là một thị trường “khổng lồ” về tiêu thụ hải sản của cả thế giới chứ không riêng gì thủy sản của VN. Sản lượng cũng như chủng loại sản phẩm thủy hải sản vào thị trường này vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng dễ tính hơn thị trường các nước EU và Nhật Bản. Ngoài ra, giá cả cũng tương đối cao hơn so với thị trường Châu Á.

Ông Trần Văn Dũng, GĐ Cty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) - Cty đã và đang làm ăn rất hiệu quả tại thị trường Nga và đang tiếp tục mở rộng nhiều mặt hàng vào thị trường này cho rằng: từ khi VN và Nga ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược” năm 2001 và ký kết nhiều hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế xã hội thì 2 bên đã tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho nhau trong trao đổi thương mại.

Đặc biệt từ sau chuyến thăm và làm việc của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Nga tháng 10/2008, 2 bên đã thúc đẩy mạnh hơn hợp tác trao đổi hàng hóa. Hơn nữa, VN cũng đã đàm phán và ký kết FTA với Liên minh Hải quan (gồm Nga - Belarut - Kazaxtan), qua đó đã tạo một hành lang thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp (DN) VN có cơ hội vào một thị trường rộng lớn với 170 triệu dân này.

Theo ông Dũng, với bản chất chung của FTA là các nước tham gia giành cho nhau những ưu đãi về mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại dịch vụ, đầu tư và tăng cường các liên kết song phương, đa phương về cả kinh tế, chính trị thì nhiều rào cản kỹ thuật đã được dỡ bỏ. Đặc biệt là hàng hóa của VN xuất vào 3 nước nói trên, được cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan. Do đó, trao đổi thương mại giữa VN với các nước này tăng mạnh. Trong đó, đáng kể nhất là tăng trưởng trao đổi thương mại giữa VN và Nga.

Cụ thể, năm 2010, giá trị hàng xuất khẩu từ VN sang Nga tăng 238% so năm 2000, Nhập khẩu từ Nga về tăng 488%; 6 tháng đầu năm nay trao đổi hàng hóa 2 bên tăng 40,1% so cùng kỳ 2010.

Lâu nay, băn khoăn lớn nhất của các DN Bà Rịa - Vũng Tàu khi tìm đến thị trường Nga, đó là thanh toán mua bán. Các DN Nga mua bán với DN nước ngoài hầu như không thông qua hệ thống ngân hàng tại Nga, không mở LC. Họ chỉ trả trước 20-30% giá trị lô hàng và đều thông qua các ngân hàng nước ngoài như: Mỹ, Châu Âu chứ không thông qua ngân hàng Nga.

Điều này hết sức khó khăn và đầy rủi ro cho bên bán hàng. Nếu xảy ra khủng hoảng, hoặc đồng Rup mất giá so với USD, khách hàng mất khả năng thanh toán khi đến hạn thì trả lại hàng hoặc yêu cầu giảm giá, thiệt hại luôn thuộc về bên bán hàng. Thực tế, đã không ít DN VN bị mất trắng hàng triệu USD vì rơi vào một trong những tình huống nêu trên. Họ cảm thấy rất bất an và không biết lựa chọn đối tác nào cho an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Hớn, Giám đốc ngân hàng liên doanh Việt - Nga, hiện nay, những rủi ro này đã có hướng kể từ khi ngân hàng này ra đời và đã thiết lập được một mạng lưới hoạt động tại 6 thành phố lớn của VN và các chi nhánh tại Moscova để hỗ trợ thanh toán trực tiếp cho các DN xuất khẩu sang Nga và ngược lại. Phí thanh toán xuất khẩu thấp, an toàn, nhanh chóng. Các dự án hoàn toàn có thể yên tâm xuất hàng đi mà không lo bị đối tác không trả tiền. Đồng thời, ngân hàng này cũng cung cấp đầy đủ thông tin nhập và xuất hàng cho DN; Hỗ trợ cho DN xuất khẩu bằng USD lãi suất thấp.

Còn thông tin về các DN đối tác để chọn lựa hợp tác làm ăn, theo ông Kardo-Sysoev Alexander, chuyên viên chính cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại VN, các DN VN hoàn toàn có thể nhờ cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại VN hoặc hệ thống VCCI của Nga cung cấp.

Hai thách thức mà các DN VN nói chung và DN Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng cần hết sức quan tâm và nỗ lực điều chỉnh cho phù hợp nếu muốn đưa hàng vào thị trường Nga - đó là nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua sức ép cạnh tranh với các DN thuộc các nước có trình độ phát triển hơn VN; đảm bảo các chỉ tiêu vi sinh đối với mặt hàng thủy hải sản, vì yêu cầu của thị trường Liên bang Nga về chỉ tiêu này là khá cao.

Theo DDDN



Báo cáo phân tích thị trường