Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Làn sóng” bỏ làm ông chủ, làm thuê cho doanh nghiệp ngoại
08 | 09 | 2011
Không phải một vài, mà là hàng nghìn chủ trang trại và chủ hộ chăn nuôi từ Bắc đến Nam đang chuyển sang nuôi gia công (làm thuê) cho các công ty nước ngoài với mức tiền công thấp.

“Làn sóng” bỏ làm ông chủ

Ngày 2.2.2000, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về kinh tế trang trại, tiến thêm một bước trong việc nhìn nhận kinh tế trang trại, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ phát triển cụ thể. Cụm từ “Chủ trang trại” được hiểu là người có chí làm ăn lớn, có sự tích lũy vượt lên khỏi tầm kinh tế hộ. Họ được nhắc đến với sự trân trọng, tôn vinh, được kỳ vọng sẽ là ông chủ đích thực của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Theo tiêu chí trang trại cũ, đến năm 2010, nước ta có hơn 150.000 trang trại, trong đó có khoảng 20.000 trang trại chăn nuôi, cũng có nghĩa có chừng ấy chủ trang trại. Thế nhưng, chỉ trong 5 năm qua, nhất là từ năm 2008 đến nay, đã có một “làn sóng” chuyển đổi vị trí từ ông chủ độc lập chuyển sang “nuôi gia công” (nuôi thuê) cho doanh nghiệp nước ngoài. Số liệu chính thức đến thời điểm này là bao nhiêu?

Chưa có thống kê chính xác, nhưng chỉ riêng số trang trại, gia trại chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (100% vốn nước ngoài, công ty con của Tập đoàn Charoen Pokphand, trụ sở chính ở Thái Lan) đã lên tới có 3.000 trang trại. Trong một buổi họp báo gần đây, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - Tổng Giám đốc công ty này cho biết, có tới 20.000 nông dân từ Bắc đến Nam làm ăn với CP.

Các tập đoàn nước ngoài khác, có công ty con ở Việt Nam như Tập đoàn Jappa (Indonesia), Tập đoàn Emivet (Malaysia) cũng đã vào Việt Nam và áp dụng phương pháp hợp đồng chăn nuôi gia công với người chăn nuôi gà. Số lượng người Việt nuôi thuê gia cầm cho 2 doanh nghiệp này là bao nhiêu chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn không phải là ít. Bởi, hiện nay 2 “ông lớn” này cùng với Công ty CP đang là 3 nhà cung cấp thịt gà công nghiệp chủ lực tại Việt Nam.

Vì sao thích làm thuê?

Câu trả lời ngắn gọn của đa số chủ trang trại, nông dân là: Quá sợ dịch bệnh, thị trường bấp bênh và “đói” vốn triền miên, vốn vay lãi suất quá cao (thời gian qua xấp xỉ 20%/năm).

Ông Nguyễn Thành Lê ở ấp Xẻo Vong, xã Hiệp Lợi (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang), đang nuôi gà gia công cho Công ty TNHH Emivet Việt Nam (thuộc Tập đoàn Emivet, Malaysia) cho biết: “Trại gà của tôi có 15.000 con, đầu tư hết 1,5 tỷ đồng, thiếu vốn làm ăn mới phải đi nuôi thuê. Khi nuôi gia công, chủ trang trại là người làm thuê. Phía công ty tính toán rất kỹ lưỡng từ chuyện hao hụt đàn đến tỷ lệ thức ăn… Chỉ cần lứa nào đàn gà chậm lớn hay phát sinh dịch bệnh thì chủ trang trại cũng có thể bị thua lỗ. Nếu giá cả thức ăn, đầu ra sản phẩm ổn định và có sự giúp sức của ngân hàng thì chủ trang trại mới có thể đầu tư chăn nuôi độc lập”.

Trong một buổi họp báo gần đây, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - Tổng Giám đốc công ty này cho biết, có tới 20.000 nông dân từ Bắc đến Nam làm ăn với CP.

Từ năm 2002, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (liên kết 4 nhà), nhưng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm, liên kết này còn rất lỏng lẻo. Dịch bệnh bùng phát tràn lan trên lợn (bệnh tai xanh), trên gia cầm (cúm gia cầm) những năm gần đây đã làm nông dân và các chủ trang trại thiệt hại nặng, hơn 5 triệu hộ đã treo chuồng, bỏ nghề. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là công tác phòng chống dịch bệnh của người dân và cơ quan nhà nước còn nhiều thụ động, hiệu quả thấp xa so với yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Lộc - chủ trại lợn ở xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội là một người đang nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam. Ông Lộc nhìn nhận: Công tác phòng dịch của chúng ta vừa thụ động vừa kém hiệu quả, xảy ra dịch rồi mới đi chống, thậm chí xảy ra dịch rồi mới đi tìm phác đồ điều trị, tìm mua vaccin, không có vaccin, không trị được thì hủy diệt lợn bệnh. Mà tiêu diệt lợn là giải pháp mà người nông dân rất sợ, và sợ rất lâu.

Còn tập đoàn nước ngoài cho nuôi một con lợn thương phẩm, thì họ đã phòng bệnh từ nguồn gen, chọn lọc giống sạch bệnh từ đời ông, đời cụ kỵ của con giống đó. Mỗi trang trại họ trả lương nuôi một kỹ sư để lo phòng dịch và kiểm soát kỹ thuật, kiểm dịch thú y chặt chẽ…

Nói thẳng ra, liên kết 4 nhà của chúng ta yếu kém trên các lĩnh vực: Con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, khoa học kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài lại giải quyết tốt những mặt này. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt chủ trang trại từ bỏ chăn nuôi độc lập sang nuôi gia công, chấp nhận ổn định với mức tiền công thấp.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường