· Hoãn và phá vỡ hợp đồng ước tính lên tới 100.000 tấn
· Bốn công ty lớn của Việt Nam vướng vào trường hợp này
· Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu kỳ vọng nguồn cung đang tăng lên có thể đáp ứng các hợp đồng
Các thương nhân đang ép các nhà chức trách Việt Nam phải có biện pháp để ngăn cản các vấn đề như vậy tiếp tục tái diễn.
Các nhà môi giới cho biết, mặc dù cung sẽ tăng lên trong niên vụ mới vào tháng 10 có thể hỗ trợ việc giao hàng và đáp ứng các hợp đồng, các nhà môi giới khá miễn cưỡng đàm phán các hợp đồng mới, do nhiều hợp đồng vẫn chưa được thực hiện.
Họ cũng cho biết khối lượng hủy hợp đồng chỉ vào khoảng 1 nửa so với mức 200.000 tấn ước tính trong niên vụ 2009/2010, do cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu đã tiến hành các bước thận trọng trong niên vụ 2010/2011 như đảm bảo lượng dự trữ cà phê sẵn sàng.
Các nhà môi giới tại Việt Nam cho biết khoảng 50.000 đến 70.000 tấn cà phê trong tình trạng hoãn giao hoặc hủy giao trong niên vụ hiện nay, trong khi các nhà môi giới quốc tế ước tính lên tới tận 100.000 tấn, tăng so với mức 70.000 tấn trong tháng 8.
“Một số công ty vẫn đang tiếp tục thương lượng với nhà xuất khẩu, hy vọng sẽ có cà phê trong vụ tới. Dĩ nhiên, họ phải rất thận trọng”, một nhà môi giới tại Hồng Kông cho biết. “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi nhà môi giới đều bị ảnh hưởng bởi việc phá vỡ hợp đồng”.
Các nhà môi giới Việt Nam cho biết ít nhất 4 công ty xuất khẩu lớn của Việt Nam đã hoặc là hủy hoặc là hoãn giao hàng, khiến các công ty môi giới quốc tế không có khả năng hoàn thành hợp đồng với các nhà rang xay.
Chủ tịch Hiệp hội thương mại cà phê Thụy Sĩ cho biết Hiệp hội này dự định sẽ cảnh báo các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ và Việt Nam về vấn đề hủy hợp đồng cà phê từ phía các nhà xuất khẩu Việt Nam; mặc dù vậy các nguồn tin từ phía Việt Nam cho biết các quan chức vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào.
Hiệp hội Cà phê và Cacao Việt Nam không thể có ý kiến ngay về dự định của Hiệp hội Thương mại cà phê Thụy sỹ, hay về các vấn đề hoãn và hủy giao hàng mà theo các nhà môi giới đã gây ảnh hưởng tới một số công ty môi giới châu Âu.
Giá cao
Giá Robusta tại London ở mức cao cũng như mức giá đang tăng tại Việt Nam đã kích thích việc bán ra rất mạnh hồi đầu năm , tạo ra sự thiếu cung giả tạo trước khi niên vụ mới bắt đầu cho tới tháng 9/2012, khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn khi mua cà phê vật chất.
Giá xuất khẩu cà phê tăng dần trong 3 tháng đầu năm 2011, đạt các mức 2.346-2.356 USD/tấn, FOBvào cuối tháng 3 hay tăng 26% so với hồi cuối tháng 12/2010.
Giá tiếp tục tăng lên tới 2.465-2.475/tấn vào cuối tháng 6, đây là mức cao nhất kể từ 3/2008. Các nhà xuất khẩu bắt đầu bán mạnh để theo kịp với mức giá đang tăng.
Giá cà phê tại Đaklak, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đã giảm xuống khoảng 47 triệu đồng/tấn (2260 USD/tấn) vào hôm thứ 4 vừa qua từ mức 47,2-47,4 triệu/tấn vào hôm thứ 3 trong tuần mặc dù giá vẫn đang ở mức cao hơn 67% so với cùng kỳ năm trước- do lượng xuất khẩu cà phê cả nước trong tháng này lên tới 60.000-70.000/tấn, so với mức 58.000 tấn được giao vào cùng tháng này năm ngoái.
Theo một nhà môi giới tại một công ty nước ngoài tại thành phố HCM, trong nhiều trường hợp, các nhà xuất khẩu phải đối mặt với thua lỗ trong các hợp đồng kỳ hạn do giá thay đổi đã từ chối giao hàng.
“Cũng có báo cáo từ các nhà xuất khẩu cho biết các nhà nhập khẩu nước ngoài dừng thanh toán và nhà xuất khẩu từ chối tiếp tục giao hàng, dẫn tới việc hoãn giao hàng”, một quan chức trong ngành từ chối cho biết tên cho biết thêm.
Tuy nhiên nhiều nhà môi giới tại Singapore cho biết họ đã phải thương lượng với các nhà xuất khẩu Việt Nam từ chối giao hàng trong các hợp đồng trước để t tìm cách bán lại cà phê với mức giá chênh lệch cao hơn. Một số nhà xuất khẩu không tôn trọng hợp đồng giao hàng.
Theo một nhà môi giới tại Singapore, “Họ nói rằng các ngân hàng đã phong tỏa dự trữ của họ, do đó họ không thể đưa cà phê ra để giao hàng”, thêm vào đó, một vài công ty Thụy Sĩ đã bị ảnh hưởng bởi việc hủy hợp đồng từ phía các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Các nhà môi giới Việt Nam cho biết các doanh nghiệp xảy ra tình trạng hoãn và hủy giao hàng đã cố gắng làm việc với nhau để giải quyết vấn đề.
Hồng Kim
Theo Reuters