Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cà phê: “Thập diện mai phục” … với giá giảm
11 | 09 | 2011
Ngay ngày đầu tuần thứ hai 5/9/2011, giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe, London đã gây sốc, giảm trên 80 đô la/tấn chỉ trong một đêm.

Cơn lốc ấy đã cuốn phăng mức giá cà phê nhân xô 48.500 đồng/kg ở thị trường trong nước được thiết lập vào cuối tuần trước và giá nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên bị kéo xuống sâu một cách nhanh chóng, có lúc giá mua bán thực tế chỉ chừng 45.000 đồng/kg dù trên một số trang thông tin thị trường của tư nhân, giá tham khảo do họ thông báo chừng 46.500-47.000 đồng/kg.

Biểu đồ giá cà phê Liffe tác giả tổng hợp

Giá kỳ hạn, nội địa, xuất khẩu đua nhau…rớt

Qua một tuần, giá TTKH robusta Liffe mất 104 đô la/tấn, cơ sở giao dịch tháng 11/2011 chốt mức 2.171 đô la/tấn và arabica Ice giảm 18,05 cts/lb hay 398 đô la/tấn chỉ còn 270 cts/lb cơ sở giao dịch tháng 12/2011.

TTKH Liffe giảm, kéo giá nội địa cuối tuần quay về mức chừng 46.000 đồng/kg hay thấp hơn vào sáng hôm nay 10/9. Giao dịch trầm lắng. Một vài nhà xuất khẩu nếu có tham gia, chỉ mua hàng giao xa vào tháng 11 và 12/2011 hay tháng 1/2012 nhưng cũng rất dè dặt, với các mức trừ lùi chừng 110-120 đô la/tấn.

Cũng có tin cho rằng một số nông dân đã bán trước một phần cà phê vụ mới với mức bình quân từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg giao khi vào rộ vụ. Còn mức giá giao ngay như nói trên chỉ mang tính chất tham khảo và thông báo thuần túy vì do giá nội địa tại Việt Nam cao, nhiều nhà kinh doanh (traders) quay sang mua hàng giao tại kho ở các cảng đến tại châu Âu và Mỹ với các mức tương đương trừ  90 hay 100 đô la/tấn dưới giá Liffe. 

Thực vậy, các mức giá 45.000-46.000 đồng/kg ở trong nước rõ ràng là rất thấp so với 52.000 đồng/kg, đỉnh này được xác lập vào nửa đầu tháng 5/2011 và so với cuối tuần trước 48.500 đồng, song các mức giá này, nếu được qui ra đô la Mỹ, vẫn ngang bằng hay cao hơn đôi chút so với giá đóng cửa TTKH Liffe trong tuần, một mức mà các hãng kinh doanh (traders) đang còn hàng thực trong tay có “mơ” bán ở mức ấy cũng không thể nào đạt được.

Nếu chỉ nhìn từ cục diện thị trường trong tuần này, có thể nói rằng đáng tiếc cho những ai còn hàng, họ đã để vuột mất rất nhiều cơ hội khi giá nội địa lên mức đỉnh 52.000 đồng và sau đó rất nhiều lần quay lại mức 50.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, các mức giá chốt hàng ngày trên thị trường có thể có lúc này lúc khác. Chỉ cần đầu cơ tài chính búng tay, TTKH Liffe có thể tăng hay giảm trăm đô la trong phút chốc một cách dễ dàng. Cái đáng lo nhất hiện nay của những nhà xuất khẩu Việt Nam là giá mua bán xuất khẩu dựa trên hợp đồng giao sau (forwards contracts) tính trên chênh lệch giá (differentials/giá trừ lùi) với TTKH Liffe giảm nhanh trông thấy (xin xem biểu đồ phía trên).

Đã từng có giai đoạn trong tháng 7/2011, giá robusta loại 2, 5% đạt mức kỷ lục trong lịch sử giá kinh doanh xuất khẩu của hàng cà phê robusta Việt Nam với mức cộng 200 đô la/tấn FOB hoặc có thể hơn nữa. Có thể nói rằng, trong điều kiện sản xuất và kinh doanh bình thường như hiện nay, mức cao ngất này chắc phải cần một thời gian rất lâu sau với các điều kiện thuận lợi hy hữu lắm lịch sử mới có thể lặp lại.

Nếu chịu khó đứng lùi lại để xem xét một cách công bằng, phải nói rằng giá cao ấy chưa hẳn do yếu tố cung cầu nhưng có thể xuất phát từ sự thúc ép giao hàng, các tay đầu cơ quốc tế đang giữ hàng thực (physicals) trong tay đã “siết” giá trừ lùi để đẩy hàng thực của họ ra bán kiếm lời.

Nay, với các thông tin có được từ các hãng thông tấn nước ngoài, ta mới thấy rằng do khó khăn này nọ, nhiều nhà xuất khẩu Indonesia và Việt Nam đã lần lữa thối thác nghĩa vụ giao hàng, từ đầu năm  đến nay, có khi lên đến cả trăm ngàn tấn và tháng 7/2011 là cực điểm cần hàng giao.

Thiếu tín dụng và mất tự tin, các nhà xuất khẩu nội địa đã gần như bỏ hoàn toàn sân nhà cho “đội bóng” là các hãng kinh doanh nước ngoài “đá”, thậm chí bỏ luôn những cơ hội giá mua nội địa tốt, họ đành buông xuôi, đưa phần hơn cho đội bạn và nhờ vậy, bạn đã có lúc mua được mức trừ 140 đô la Mỹ/tấn FOB cho loại 2, 5% vào khoảng tháng 2/2011 để bán với mức cộng 200 đô la/tấn trên giá Liffe, lời chừng 350 đô la/tấn.

“Tồn kho cạn, sản lượng ít”, giá chẳng tăng cho

Chỉ còn 20 ngày nữa là niên vụ cà phê 2010/11 Việt Nam chấm dứt. Niên vụ cà phê được qui ước bắt đầu từ 1/10 hàng năm đến hết ngày 30/9 năm sau. Chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam (Vicofa) Lương Văn Tự lên tiếng rằng đến nay hàng tồn kho cà phê tại Việt Nam đã cạn và như thế hàng tồn kho đầu kỳ niên vụ mới 2011/12 sẽ không có.

Song, theo ước lượng của giới kinh doanh, tính đến hết tháng 8/2011, hàng cà phê nằm tại các kho nội và ngoại quan chung quanh TPHCM, trung tâm giao dịch và tồn trữ cà phê của cả nước, còn chừng 120.000 tấn, trong đó, trên 100.000 tấn nằm trong tay các hãng kinh doanh nước ngoài, số nhỏ lẻ còn lại nằm tại các kho của vài nhà xuất khẩu.

Họ cũng ước rằng, chừng 50.000 đến 70.000 tấn đang còn rải rác trong tay người giàu có, tại các kho lẻ của các nhà kinh doanh nội địa và nước ngoài. Những người còn giữ hàng vẫn kiên trì giữ chặt vì đã lỡ chuyến, không bán ra khi giá lên đỉnh từ 50.000 – 52.000 đồng. Nếu như xuất khẩu tháng 9/2011 ước đạt 70.000 tấn, chí ít tồn kho  gối vụ cũng có thể đạt từ 100.000 đến 120.000 tấn. Hàng tồn kho gối vụ là hàng chưa bán, bán chưa xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trước đây, chủ tịch Vicofa cũng đưa ra dự báo sản lượng cho vụ mới, chừng 18 triệu bao, cao hơn đôi chút so với vụ cũ. Nhưng, con số ấy vẫn rất nhỏ so với ước lượng của nhiều người khác, từ 21,5 đến 24 triệu bao. Trong một phát biểu nữa trước đây, ông Lương Văn Tự đã tuyên bố Vicofa sẽ đề xuất các cấp thẩm quyền và hội viên hiệp hội thực hiện chương trình tạm trữ 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có thông tin gì về lộ trình của ý định giữ hàng với thiện ý giúp giá tăng này vì giá cà phê nội địa và giá thế giới đang trong khu vực “có thể chấp nhận” được.

Thập diện mai phục…với giá giảm

Một điều đáng ngại chung cho thị trường cà phê là thế giới chuẩn bị vào niên vụ mới giữa những ngổn ngang của hai nền kinh tế lớn ở hai bên bờ Đại Tây dương (Hoa Kỳ và châu Âu) đang bị đầu cơ tài chính lũng đoạn ngày càng sâu và táo tợn, giá cả hàng hóa hết sức bấp bênh và chao đảo dị thường. Ngay cả khi nghe tin rằng tồn kho có giấy xác nhận chất lượng Liffe (certified) tiếp tục giảm nhanh, giá trong toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê đều rớt, từ thị trường nội địa, lẫn giá xuất khẩu đến giá trên các TTKH.

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Báo cáo mới nhất tính đến hết ngày 5/9/2011 của Liffe nói rằng tồn kho có xác nhận chất lượng của TTKH này chỉ còn 388.940 tấn, giảm 28.480 tấn từ đỉnh (xin xem biểu đồ phía trên) sau 4 lần báo cáo. Dự kiến lượng tồn kho này sẽ tiếp tục xuống nhanh nay mai vì giá xuất khẩu của Việt Nam cao, chưa gặp được giá muốn mua của các nhà nhập khẩu.

Hơn bao giờ hết, thị trường cà phê đang cần một bàn tay can thiệp mang tính chiến lược để ngăn đà giảm gây bất lợi cho ngưởi trồng ngay đầu vụ trước khi quá muộn.

Theo Quang Bình

TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường