Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phó thủ tướng Thái Lan: Thái Lan sẵn sàng từ bỏ vị thế nhà xuất khẩu gạo lớn nhất
13 | 09 | 2011
Theo phó thủ tướng Thái Lan Kittiratt Na-Ranong, nước này đã sẵn sàng từ bỏ vị thế nhà xuất gạo hàng đầu thế giới do chính phủ thu mua ngũ cốc trực tiếp từ nông dân để thúc đẩy giá và thu nhập nông thôn.

Theo ông Kittiratt, chính phủ Thái Lan sẽ không lùi bước trong triển khai chương trình thu mua ngũ cốc. Nếu chính phủ không thể giúp chính những người nông dân nước mình, thì chính phủ có vai trò gì trong đất nước đó? Ông Kittiratt cho biết bản thân không cảm thấy tự hào khi Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ông chỉ tự hào nếu những người nông dân Thái Lan có thể gieo trồng và tiêu thụ sản phẩm ở mức giá hợp lý, khiến nông dân nước này hạnh phúc.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hướng đến cách ly 66 triệu dân Thái Lan khỏi suy giảm kinh tế toàn cầu bằng cách tăng thu nhập của những người nông dân nghèo Thái Lan, bộ phận dân tộc làm động lực cho đảng của bà dành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 7. Kế hoạch thu mua gạo nhằm đảm bảo giá gạo, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng 20% và làm suy giảm thị phần trên thị trường gạo của nước này.

Theo Sarunyu Jeamsinkul, phó giám đốc điều hành tại Asia Golden Rice Ltd., nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Thái Lan, kế hoạch thu mua gạo của chính phủ Thái Lan sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu do rất khó có thể đưa ra giá chào. Giá xuất khẩu có thể vọt lên 750 USD/tấn. Tính đến 7/9, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo xuất khẩu chào ở mức 629 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2009.

Theo USDA, kim ngạch xuất khẩu gạo từ Thái Lan, chiếm khoảng 31% kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu, dự đáon sẽ giảm xuống mức 8 triệu tấn trong năm tới, từ mức ước 10 triệu tấn trong năm nay. Tính đến 5/9, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng 55%, lên mức 8,3 triệu tấn trong năm nay. Theo ông Kittiratt, mặc dù lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giảm nhưng giá trị xuất khẩu sẽ tăng.

Mức giá “hợp lý”

Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch sẽ trả 15.000 Bath/tấn, tương đương 497 USD/tấn, gạo trắng chưa xát và 20.000 Bath/tấn cho gạo thơm Hom Mali, cao hơn 47% so với mức giá thị trường hiện nay.

Nỗ lực tăng thu nhập khu vực nông thôn của chính phủ Thái Lan có thể đẩy giá gạo toàn khu vực tăng cao. Châu á tiêu thụ khoảng 87% trong tổng lượng gạo tiêu dùng toàn cầu.

Theo ông Kittiratt, chính phủ Thái không đẩy giá gạo tăng 3, 4 hay 5 lần và người dân sẽ chuyển sang tiêu dùng bánh mỳ hay các loại ngũ cốc khác. Chính phủ Thái cho rằng mức giá thu mua là hợp lý và sẽ không hài lòng nếu giá vượt quá mức chính phủ đặt ra.

Chính sách của ông Thaksin

Giá gạo Thái 100% loại B, giá tham chiếu tại châu Á, đã tăng 21% kể từ cuộc bầu cử và những dự đoán về việc bà Yingluck sẽ tái khởi động chính sách mà ông Thaksin Shinawatra đã thực hiện vào năm 2008.

Trong năm 2008, khi ông Thaksin vẫn tại vị và chính phủ Thái Lan thực thi một chính sách tương tự, chính phủ nước này đã thu mua tổng cộng 10,5 triệu tấn gạo từ gần 1 triệu nông dân Thái Lan. Phần lỗ do bán gạo dưới giá thu mua ước tính ở mức 43 tỷ Bath.

Giá gạo nội địa Thái Lan đã tăng lên mức kỷ lục 17.000 Bath/tấn trong tháng 4/2008 và mức giá xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay 1.038 USD/tấn sau khi  Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam đồng loạt hạn chế xuất khẩu gạo, làm dấy lên cuộc bạo loạn lan rộng từ Haiti đến Ai Cập.

Theo ông Kittiratt, những doanh nghiệp trong ngành gạo có thể nhìn vào giá gạo và giá lúa mỳ 5 năm trước đây, xem xét mức tăng giá. Những gì chính phủ Thái Lan đề xuất không vượt ra khỏi khuôn khổ của những lựa chọn đã qua xem xét.

Không thiếu hụt gạo

USDA vừa tăng ước tính sản lượng gạo toàn cầu lên mức kỷ lục 458,4 triệu tấn trong niên vụ 2011 – 2012, nhờ sản lượng tăng tại Brazil, Trung Quốc, Philippines và Mỹ. Đây là năm thứ hai nguồn cung gạo toàn cầu tăng, vượt sản lượng cầu và đẩy dự trữ toàn cầu cuối kỳ lên mức kỷ lục trong 9 năm qua.

Thương mại gạo toàn cầu ước tính giảm 4,2%, xuống mức 31,8 triệu tấn trong năm tới.

Theo USDA, với tương quan thặng dư cung – cầu, giá gạo sẽ chịu áp lực giảm do thị trường không thiếu gạo. Khi thu nhập tăng lên, nhiều người sẽ chuyển từ tiêu dùng gạo sang các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao hơn, nhờ đó cũng giảm áp lực cung – cầu.

Kim Dung AGROINFO

Theo Bloomberg



Báo cáo phân tích thị trường