Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu tiền tỉ từ ớt
14 | 09 | 2011
Giá ớt cao ngất, năng suất cao, thương lái lùng sục tận ruộng để thu mua hàng xuất khẩu, người dân thì tiêu tiền như Việt kiều...

Đó là không khí sôi động hiện nay ở Huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Đấu - trưởng ấp Hòa Phú (xã Bình Ninh, H.Chợ Gạo) - chỉ tay ra ruộng ớt, phấn khởi nói: “Chỉ cần bán 2 tấn ớt là có hơn 60 triệu đồng bỏ túi. Dân ở đây được gọi là “Việt kiều ớt" vì chi tiêu như... Việt kiều!”.

 

Với giá hiện nay từ 30.000 - 32.000 đồng/kg, tương đương 30 - 32 triệu đồng/tấn, người trồng ớt lãi lớn. Theo ông Phan Văn Trọng - Bí thư H.Chợ Gạo, toàn huyện hiện có khoảng 700 ha ớt thì riêng xã Bình Ninh đã có tới 450 - 500 ha ớt. Theo tính toán của những người trồng ớt tại xã Bình Ninh, năng suất hiện nay thì mỗi công đất trồng ớt thu hoạch được từ 1 - 1,2 tấn/vụ. Với mức giá trên, một công ớt cho thu nhập 30 - 36 triệu đồng/vụ, trừ các chi phí đầu tư, sản xuất người trồng lãi từ 17 - 20 triệu đồng/công. Cá biệt một số hộ canh tác đạt đến 1,5 tấn ớt/công đất, thu nhập khoảng 45 triệu đồng/vụ, lãi khoảng 25 triệu đồng. Tính trung bình, hộ trồng 1 ha (10 công) ớt sẽ thu được 300 - 360 triệu đồng/vụ, lãi từ 170 - 200 triệu đồng. Đối với các hộ trồng đến 2 ha, thu từ 600 đến hơn 700 triệu đồng/vụ, lãi từ 350 - 400 triệu đồng/vụ, mỗi năm thu tiền tỉ.

 

Theo người dân tại làng ớt, chu kỳ vụ ớt khoảng gần 100 ngày, trong đó 60 ngày là thời gian từ ngày gieo hạt đến khi bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 30 - 40 ngày. Mỗi năm canh tác từ 2 - 3 vụ ớt. Anh Lê Văn Minh - người trồng ớt ở ấp Hòa Phú (xã Bình Ninh) cho biết, ở vùng đất này trồng ớt lãi cao nhất, cao hơn từ 7-8 lần, thậm chí 10 lần so với trồng lúa.

Anh Minh cho biết ngày nào thương lái cũng đến tận nhà để gom hàng, họ không dám ép giá vì nhiều mối tranh mua hàng để xuất khẩu. Ông Cao Văn Thê - Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh - cho biết: “Hiện nay người dân bán ớt trực tiếp cho thương lái để xuất sang các nước Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ... Thương lái lời khoảng 40%. Chúng tôi đang có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp Đài Loan để họ xây dựng xưởng thu mua ngay tại địa phương. Người dân bán ớt trực tiếp cho họ, thay vì qua thương lái, như vậy, người dân sẽ được lợi hơn, yên tâm đầu tư trồng ớt”.

 

Nhờ chuyển sang trồng ớt mà người dân có thu nhập cao, xây được nhà vài trăm triệu đồng, sắm được xe máy đời mới, các vật dụng điện tử, đồ điện gia dụng có giá trị…

 

Ông Cao Văn Thê hào hứng kể cây ớt được trồng ở xã Bình Ninh khoảng 10 năm trước với diện tích hằng năm tăng khoảng 15%. Đến nay toàn xã có chừng 450 - 500 ha ớt, chiếm khoảng 97% diện tích đất trồng cây hoa màu. Trước đây, Bình Ninh là xã nghèo, thuộc vùng sâu vùng xa, đất nhiễm mặn khó trồng hoa màu. Từ ngày cây ớt góp mặt, vùng đất dọc sông Tiền này thay da đổi thịt. Nhờ thu nhập từ cây ớt mà người dân xây được nhà kiên cố, đời sống cải thiện đáng kể, thậm chí có hộ còn sắm được cả ô tô.

 

Làm giàu từ cây ớt, xã Bình Ninh trở nên nổi tiếng. Ngoài việc hình thành nghề hái ớt thuê thu hút người lao động từ các địa phương khác, “thủ phủ” ớt còn là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An...

Theo Hoàng Việt

Thanh niên


Báo cáo phân tích thị trường