Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người nuôi bò sữa bị ép giá
23 | 06 | 2007
Vào thời điểm này, người chăn nuôi bò sữa ở Hà Tây đang rất hoang mang, bởi nếu cố giữ đàn bò sữa thì chi phí lớn, nuôi lỗ mà bán tháo đi thì tiếc. Vì thế mà đàn bò sữa của tỉnh ta giảm rất nhanh, từ 4.080 con bò sữa năm 2005 đến nay chỉ còn khoảng 2.800 con, số hộ chia tay với bò sữa ngày càng nhiều.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đàn bò sữa giảm nhanh đó là do sữa tươi bán quá rẻ, người chăn nuôi đang bị các nhà máy chế biến sữa ép giá, ép cấp.

Theo tính toán giá thành sản xuất sữa của nông dân đang ở mức cao khoảng 3.050 đồng/kg sữa do giá thức ăn tinh tăng cao. Riêng thức ăn chiếm tới 69,22% (cả thức ăn tinh và xanh) lao động chiếm 14,3%, khấu hao bò và chuồng chiếm 11,88%... Trong khi đó, ở tỉnh ta có 3 công ty đang tiêu thụ sữa là: Nestle, Vinamilk và Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP. Công ty Nestle thu mua chủ yếu ở các huyện phía Bắc, chiếm tỷ lệ 67% tổng sản lượng sữa toàn tỉnh với giá bình quân là 3.200 đồng đến 3.400 đồng 1kg, Công ty Vinamilk mua khoảng 15% với giá 3.500 đồng 1 kg, Công ty IDP mua khoảng 5% tổng lượng sữa với giá 3.700- 4.000 đồng/kg. Các công ty thường đánh giá chất lượng sữa chỉ đạt loại 2, tỷ lệ loại 1 rất ít nên mua với giá thấp, thường thường nông dân bị đánh chất lượng sữa xuống loại 2. Như vậy, tính bình quân giá sữa chỉ bán được 3.400 đồng 1kg, trong khi đó giá sản xuất ra 1kg sữa đã chi phí hết 3.050 đồng, tính ra lợi nhuận chỉ đạt dưới 400 đồng 1kg. Như vậy, tiền lãi khi nuôi bò sữa trong giai đoạn hiện nay là quá thấp, lời lãi chẳng đáng là bao nên người chăn nuôi rất ngao ngán. Do tình hình chăn nuôi bò sữa khó khăn, nhiều địa phương chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tiêu thụ sữa càng trở nên khó khăn hơn do nhiều khu vực hiện nay sản lượng sữa sản xuất ra không đủ để các nhà máy chế biến sữa đầu tư tank (bình chứa sữa). Thậm chí ở một vài địa phương trước đây nhà máy chế biến sữa đã bố trí đặt tank để thu mua sữa nhưng nay do không đủ lượng sữa theo hạch toán của nhà máy nên nhà máy đã rút tank dẫn đến các hộ phải tự mang đi tiêu thụ, chi phí càng tăng cao, trong khi đó, giá thu mua sữa lại thấp.

Giá bán sữa thấp, việc thu mua lại phức tạp, tiêu thụ khó khăn khiến cho người chăn nuôi bò sữa lao đao và ngán ngẩm. Được biết, giá sữa ở Việt Nam đang bị các nhà máy mua với giá quá thấp so với một số nước trong khu vực. Các nhà máy lại đua nhau nhập khẩu sữa bột để chế biến đóng hộp bán quảng cáo là sữa tươi nguyên chất.

Đã đến lúc cần có tiếng nói chung giữa người chăn nuôi bò sữa với nhà máy thu mua chế biến và người tiêu dùng để tránh việc ép cấp, ép giá. Người tiêu dùng cần nhận rõ giá trị đích thực của sữa tươi nguyên chất và sử dụng sữa tươi như một nhu cầu để sữa tươi có giá trị đích thực và được giá để người chăn nuôi bò sữa tránh khỏi nguy cơ phá sản.



Quang Tuấn - http://www.baohatay.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường